Chi tiết tin

A+ | A | A-

Xây dựng phương pháp nghèo đa chiều ở Việt Nam

Ngày đăng: 17:23 | 15/10/2014 Lượt xem: 682

Khái niệm nghèo đa chiều (NĐC) của Việt Nam là con người không được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Chuẩn nghèo sẽ quy định: Ở mức độ nào đó, nếu không được đáp ứng một số yêu cầu xã hội cơ bản, thì một hộ gia đình sẽ bị coi là NĐC.

Những ý kiến về phương pháp tiếp cận NĐC ở Việt Nam

Để đo lường nghèo đói theo cách tiếp cận đa chiều, cần kết hợp đồng thời nhiều chiều và chỉ số để nắm bắt được thiếu hụt về các nhu cầu cơ bản khác nhau, đồng thời cung cấp thông tin toàn diện phục vụ cho giảm nghèo, tăng cường an sinh và phát triển xã hội. Tùy từng quốc gia, tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể, các nhu cầu xã hội cơ bản sẽ được xác định phù hợp. Cách tiếp cận NĐC ở Việt Nam là cách tiếp cận theo quyền nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người. Các nhu cầu này được coi là quan trọng ngang bằng nhau và con người có quyền được đáp ứng tất cả các nhu cầu này, để có thể đảm bảo một cuộc sống bình thường. Cách tiếp cận này khác một cách cơ bản với cách tiếp cận đơn chiều dựa trên thu nhập, trong đó coi thu nhập bằng tiền là tiêu chí duy nhất đại diện cho nhu cầu của con người.

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ LĐTBXH đã tổ chức hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu ban đầu về phương pháp tiếp cận NĐC ở Việt Nam”. Tham gia hội thảo, ngoài lãnh đạo và chuyên gia của các cơ quan, bộ, ngành liên quan, còn có đại diện của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ là Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại Sứ quán Ai Len (Irish Aid), cùng các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực giảm nghèo.

Theo ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, trên cơ sở khảo sát kinh nghiệm của một số quốc gia, các tổ chức quốc tế; các chia sẻ kinh nghiệm tại các buổi hội thảo cũng như những góp ý của các bộ liên quan để xác định các chiều đo lường nhu cầu xã hội cơ bản, các chỉ số đo lường và ngưỡng thiếu hụt cho thấy, từ năm 2015, chuẩn nghèo mới dự kiến sẽ xem xét dựa trên 5 chiều gồm: y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội. 5 chiều tiếp cận này sẽ được chia ra thành các chỉ số thiếu hụt. Một hộ gia đình được coi là hộ NĐC nghiêm trọng, nếu thiếu từ 1/2 tổng số nhu cầu cơ bản trở lên. Nếu hộ gia đình thiếu từ 1/3 đến 1/2 tổng số nhu cầu cơ bản sẽ là hộ NĐC.

Tuy nhiên, ông Thi cũng nhấn mạnh nguyên tắc chung để xây dựng phương pháp tiếp cận đo lường NĐC tại Việt Nam, đó là, chuẩn NĐC phải đảm bảo hai yêu cầu là mức sống tối thiểu và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đồng thời, trong quá trình chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, chuẩn NĐC và chuẩn nghèo thu nhập sẽ được sử dụng song song. Ngoài ra, tiếp cận NĐC phân tách rõ ràng 3 công việc: đo lường và giám sát, xác định hộ nghèo và xác định đối tượng thụ hưởng chính sách.

Theo kết quả báo cáo tại Hội thảo, đa số các đại biểu đều tán thành ý kiến: Các chỉ số đo lường của mỗi chiều và ngưỡng thiếu hụt của từng chỉ số, khi đưa ra đều phải đảm bảo nguyên tắc phản ánh tiêu chí  đáp ứng được nhu cầu cơ bản; Các chỉ số phải cụ thể, đo đếm được; Ưu tiên lựa chọn chỉ số phản ánh kết quả, hoặc các chỉ số đo lường mức độ tiếp cận và khả năng chi trả các dịch vụ cơ bản...

Theo nhận định của đa số đại biểu, NĐC được đo lường sẽ cho thấy sự thiếu hụt chung của từng cộng đồng, khu vực, theo đó, các nhà hoạch định chính sách có thể thiết lập thứ tự ưu tiên trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục… Nhất là thông qua thông tin về tình trạng NĐC, cũng giúp theo dõi tiến trình giảm nghèo và đánh giá tác động của các chính sách giảm nghèo và phát triển xã hội qua thời gian giữa các vùng, các nhóm dân cư để điều chỉnh cho phù hợp. Một số đại biểu cũng băn khoăn về cách cho điểm số các chiều nghèo và chỉ số là ngang bằng nhau, xem các chiều đều có vai trò quan trọng ngang bằng nhau như hiện nay là chưa phù hợp, nên chọn số cho các chiều có tính ưu tiên. 

Mục tiêu của phương pháp đo lường NĐC

 Dựa trên phương pháp tiếp cận NĐC ở Việt Nam, việc xác định hộ nghèo và các đối tượng an sinh xã hội khác được tiến hành bởi ngành LĐTBXH từ nhận diện, lập danh sách phục vụ cho công tác quản lí, xác định đối tượng thụ hưởng và hoạch định chính sách cả ở trung ương và địa phương. Sau khi xác định đối tượng thụ hưởng chính sách, mỗi chính sách phụ thuộc vào nội dung và nguồn lực cụ thể sẽ xác định đối tượng thụ hưởng tương ứng; các đối tượng thụ hưởng cũng không nhận được sự hỗ trợ như nhau, mà tuỳ thuộc nhu cầu sẽ được phân loại hỗ trợ cho phù hợp.

Đại biểu đóng góp ý kiến
Phương pháp đo lường NĐC ở Việt Nam nhằm đạt được 3 mục tiêu cơ bản:

Thứ nhất, Đo lường quy mô và mức độ nghèo,  trên cơ sở đó nhằm theo dõi tiến trình giảm nghèo và đánh giá tác động của các chương trình, chính sách, giảm nghèo và phát triển xã hội qua thời gian, giữa các vùng, các nhóm dân cư, đặc biệt là theo các chiều nghèo, đồng thời phục vụ cho hoạch định chương trình, chính sách phù hợp.

Thứ hai, Xác định đối tượng nghèo, đặc biệt là những đối tượng nghèo nhất và các thiếu hụt của họ để đặt mục tiêu, thiết lập ưu tiên, xây dựng và thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội hiệu quả, phù hợp với các đối tượng và nhu cầu khác nhau.

Thứ ba, Xác định đối tượng thụ hưởng chính sách: Thông tin về tình trạng nghèo và đối tượng nghèo kết hợp với các tiêu chí bổ sung khác, sẽ giúp từng chương trình, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội xác định được các đối tượng phù hợp nhất cho các hỗ trợ của mình.    

Được sự hỗ trợ kĩ thuật của Dự án PRPP - Hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP (2011-2020) và CTMTQG về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Đại Sứ quán Ai Len (Irish Aid) tài trợ, sau khi xây dựng được phương pháp NĐC ở Việt Nam, dự kiến, Bộ LĐTBXH sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các tiêu chí chuẩn NĐC, nghèo thu nhập vào quý 1/2015 và tiến hành điều tra, xác định các đối tượng NĐC ngay trong năm 2015./.

                                                                          



Tác giả: Tuấn Nam

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên Kết Website