Chi tiết tin

A+ | A | A-

Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Ngày đăng: 10:30 | 29/09/2014 Lượt xem: 708

Theo chỉ đạo của trung ương và của UBND tỉnh về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Công tác giảm nghèo được quan tâm và phải được đánh giá sâu về kết quả thực hiện cho giai đoạn 2011 - 2013, ước thực hiện 2014 và năm 2015 để làm cơ sở xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2016-2020.

HĐND tỉnh có nhiều kỳ họp bàn về chính sách hỗ trợ giảm nghèo 
Trên cơ sở chỉ đạo của trung ương, của tỉnh Quảng Nam và tổ chức thực hiện của các sở, ngành và địa phương. Văn phòng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, đồng thời xây dựng mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cho giai đoạn 2016-2020, báo cáo UBND tỉnh và Bộ  Lao động - thương binh và Xã hội. theo đó, giai đoạn 2011-2015, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác giảm nghèo như Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định, Kết luận hội nghị, kế hoạch... đối với công tác giảm nghèo, đặc biệt là đã có ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù từ nguồn ngân sách tỉnh như Nghị quyết số 31/2011/NQ-HĐND ngày 09/11/2012 của HĐND tỉnh về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 119/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh về thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014-2015 tỉnh Quảng Nam.\

UBND tỉnh có nhiều phiên họp bàn về chính sách hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam
Trên cơ sở chỉ đạo và hướng dẫn của trung ương, các cấp, các ngành và các địa phương của tỉnh Quảng Nam đã tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo trên các lĩnh vực hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; y tế và dinh dưỡng; nhà ở; trợ giúp pháp lý; văn hoá, thông tin; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng,... Tổng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực giảm nghèo từ năm 2011-2014 là 5,600 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương đã phân bổ thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 948,085 tỷ đồng, trong đó có 818 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư xây dựng 995 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các thôn nghèo ĐBKK, xã nghèo và huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, gồm Chương trình 30a (396 công trình/484 tỷ đồng), Chương trình 135  (485 công trình/265 tỷ đồng) và Chương trình 257 (114 công trình/84 tỷ đồng).

Giao thông đi lại vẫn còn khó khăn, cần phải quan tâm đầu tư là thách thức cho công tác giảm nghèo của tỉnh
Thông qua đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp từ các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo, bộ mặt nông thôn, nhát là nông thôn miền núi ở các thôn nghèo, xã nghèo và huyện nghèo thay đổi rỏ rệt, đời sống của người dân được cải thiện rỏ rệt, nhất là người nghèo, người cận nghèo trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, phát triển sản xuất. Tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo đặc biệt khó khăn nhiều công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới, nhất là hệ thông giao thông, rường học, trạm y tế và công trình thuỷ lợi ngày càng hoàn thiện, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, phát triển sản xuất, giảm dần khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân gần 3%/năm, từ 20,90% năm 2011 (79.482 hộ nghèo) giảm còn 14,91% năm 2013 (58.269 hộ nghèo). Ước thực hiện đến năm 2015 giảm còn dưới 9%, bình quân giai đoạn 2011-2015 giảm 2,98%/năm . Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo nêu trên đã đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XX đề ra (2,5-3%/năm) và vượt so với mục tiêu theo Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ (2%/năm).

Nhiều công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ Chương trình giảm nghèo tạo điều kiện cho giao thông đi lại của người dân vùng nghèo
Mặc dù kết quả giảm nghèo toàn tỉnh tuy nhanh, nhưng tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh vẫn ở mức cao, gần gấp đôi so với mức bình quân chung của cả nước (Năm 2013: tỷ lệ của tỉnh Quảng Nam là 14,91%, cả nước là 7,8%); đời sống người nghèo, người cận nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện điểm xuất phát thấp, địa hình phức tạp, thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh, nhiều thành phần dân tộc, thiếu đất sản xuất,... toàn tỉnh có 09 huyện miền núi, trong đó có 06 huyện miền núi cao, trong đó có 03 huyện thuộc Chương trình 30a, 03 huyện thuộc Chương trình 30b (Năm 2013, 06 huyện miền núi cao có 21.071 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,29% so với tổng số hộ dân và chiếm tỷ trọng 36,16% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (58.269 hộ); ngoài ra hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ cao, người nghèo còn mang tư tưởng trông chờ ỷ lại, không muốn vươn lên thoát nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh còn cao. Bên cạnh đó, mật độ dân cư , nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo phân tán nên khó khăn trong đầu tư, tổ chức triển khai thực hiện và quản lý; nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, mức đầu tư hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo thấp; một số địa phương năng lực quản lý điều hành và tổ chức thực hiện hạn chế, thiếu chủ động đề xuất thực hiện giải pháp giảm nghèo, còn trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên. Ngoài ra, một số cơ chế, chính sách do trung ương ban hành còn mang nặng tính bao cấp, hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, địa phương nghèo đã làm mất động lực phát triển của một bộ phận hộ nghèo, địa phương nghèo.

Năm 2016 -2020, theo chủ trương của Quốc hội và của Chính phủ chỉ còn lại 02 Chương trình MTQG đó là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Hai chương trình này sẽ được Chính phủ ưu tiên nguồn lực tập trung để đầu tư nhằm hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, cộng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của tỉnh Quảng Nam sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiệnchương trình giảm nghèo, đảm bảo giảm nghèo nhanh và bền vững.  Vì vậy, với sự tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo như trên thì dự kiến tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo 2011-2015 sẽ giảm từ 9% (dự kiến đến cuối 2015) xuống còn 2,5% vào cuối năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 1,63%/năm tính cho chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 được Quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ (Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống; Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống; Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng; Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng)./.

Tác giả: Hòa Phát

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên Kết Website