Chi tiết tin

A+ | A | A-

Phát triển hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020

Ngày đăng: 12:51 | 06/09/2014 Lượt xem: 799

Bưu chính, viễn thông là một ngành kinh tế thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân, là một công cụ đắc lực phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, phục vụ quảng đại quần chúng nhân dân ở mọi nơi, mọi lúc theo yêu cầu cơ bản đó là: Nhanh chóng, chính xác, an toàn, thuận tiện và thỏa mãn mọi nhu cầu về dịch vụ của người sử dụng. Việc phát triển các điểm Bưu điện văn hóa xã góp phần nâng cao dân trí, nâng cao đời sống tinh thần của người dân ở vùng nông thôn, miền núi và điểm Bưu điện văn hóa xã trở thành một thiết chế văn hóa đặc biệt ở nông thôn, đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay. Điểm hoạt động bưu chính, viễn thông là một trong những tiêu chí quan trọng để xét duyệt xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc củng cố, phát triển điểm Bưu điện văn hóa xã đảm bảo cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông, phục vụ đọc sách, báo, tìm kiếm thông tin qua mạng interntet cho người dân nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.


Một góc của thành phố Tam Kỳ hôm nay

Để hỗ trợ hoàn thành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở nội dung Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và Quyết định số 463/QĐ-BTTTT ngày 22/3/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Hướng dẫn thực hiện tiêu chí ngành thông tin và truyền thông về xây dựng nông thôn mới. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án Phát triển hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.

Mục tiêu tổng quátcủa Đề án là củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Bưu điện văn hóa xã, đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng. Mở rộng đối tượng và phạm vi thực hiện của Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 -2015 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2937/QĐ–UBND ngày 13/9/2012. Phấn đấu đến năm 2015 đạt 45% số xã có điểm Bưu điện và Internet đạt chuẩn, đến năm 2020 đạt 70% số xã có điểm Bưu điện và Internet đạt chuẩn theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Đề án làm cơ sở để UBND tỉnh chỉ đạo phát triển bưu chính, viễn thông thống nhất, đồng bộ với quy hoạch của các ngành trong tỉnh, đảm bảo đầu tư phát triển bưu chính, viễn thông đạt hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phát triển và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ bưu chính, viễn thông và internet công cộng tại vùng nông thôn, miền núi của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân trong tỉnh.

Đề án có 07 mục tiêu cụ thể, đó là (1) Nâng cấp, sửa chữa, duy trì hoạt động ổn định hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã. Bảo đảm về cơ sở hạ tầng điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ cung cấp dịch vụ Bưu điện và Internet đạt chuẩn và có chất lượng; (2) Trang bị bàn ghế đọc sách, tủ sách nhằm xây dựng thư viện nhỏ tại các điểm Bưu điện văn hóa xã, đảm bảo nguồn sách và thực hiện việc luân chuyển nguồn sách phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân. Nâng tổng số đầu sách bình quân tại các điểm Bưu điện văn hóa xã lên 500 đầu sách vào năm 2020. Nâng tổng số người đọc sách, báo bình quân tại các điểm Bưu điện văn hóa xã lên mỗi ngày từ 10 đến 20 lượt người (gấp 2 đến 5 lần so với hiện tại); (3) Trang bị máy vi tính có truy cập internet cho tất cả các điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ nhu cầu truy cập internet của người dân nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; (4) Hỗ trợ mức lương bình quân của nhân viên làm việc tại điểm Bưu điện văn hóa xã, tối thiểu đạt 1.200.000 đồng/người/tháng; (5) Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên Bưu điện văn hóa xã, nâng cao chất lượng phục vụ bưu chính, viễn thông tại các điểm Bưu điện văn hóa xã; (6) Nâng cao chất lượng các dịch vụ bưu chính viễn thông tại điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc cho người dân; Và (7) Thiết lập mô hình điểm cung cấp thông tin cộng đồng từ việc kết hợp giữa hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã với các thiết chế văn hóa khác.

Nhiệm vụ của Đề án là tổ chức củng cố hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã sẵn có tại các địa phương không thực hiện xây dựng mới các điểm Bưu điện văn hóa xã. Kiện toàn cơ sở hạ tầng, hoạt động tại các điểm Bưu điện văn hóa xã đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng cho người dân vùng nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Đảm bảo điểm Bưu điện văn hóa xã là điểm cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông công ích, tiếp nhận các dự án về thông tin và truyền thông về xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phục vụ tốt việc cung cấp thông tin cho người dân. Đối với những xã chưa có điểm Bưu điện văn hóa xã sẽ tổ chức kết hợp, tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có tại xã đó để thiết lập điểm cung cấp thông tin cộng đồng kết hợp. Rút ngắn khoảng cách tiếp cận dịch vụ bưu chính, viễn thông của người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Góp phần nâng cao giá trị văn hoá, tinh thần, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.T

Tổng kinh phí thực hiện đề án theo dự kiến là 20.914.600.000 đồng (Hai mươi tỷ, chín trăm mười bốn triệu, sáu trăm ngàn đồng), bao gồm vốn ngân sách tỉnh đảm bảo 9.087.000.000 đồng, vốn doanh nghiệp tham gia là 11.827.600.000 đồng. Nội dung đầu tư của Đề án gồm: Đầu tư sửa chữa duy tu ban đầu các nhà BĐVHX và các điểm CCTTCĐ kết hợp; Trang bị máy tính và bàn ghế máy tính; Đầu tư đường truyền Internet; Đầu tư duy trì đường truyền Internet; Trang bị bàn ghế đọc sách; Đầu tư sách tại  điểm BĐVHX; Hỗ trợ báo;Hỗ trợ lương nhân viên phục vụ tại các điểm BĐVHX và CCTTCĐ kết hợp; Đào tạo nhân viên và tổng kết kết quả triển khai đề án hàng năm.

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà đề án đề ra, các giải pháp thực hiện đó là: Thứ nhất là, củng cố Bưu điện văn hóa xã: Trên cơ sở hạ tầng hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã hiện có, lập kế hoạch duy tu bảo dưỡng định kỳ, đảm bảo cơ sở hạ tầng điểm Bưu điện văn hóa xã đạt các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng điểm cung ứng dịch vụ bưu chính và điểm cung ứng dịch vụ viễn thông theo tiêu chí nông thôn mới về thông tin và truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ban hành các quy định về việc đảm bảo điều kiện về hạ tầng cơ sở, mặt bằng, nhân viên...để đảm bảo việc tiếp nhận dự án và phát huy hiệu quả của dự án sau khi nhận bàn giao. Hàng năm xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện công tác sửa chữa, đảm bảo các điểm Bưu điện văn hóa xã hoạt động bình thường, khang trang, vệ sinh môi trường tốt. Thực hiện đầu tư mới các trang thiết bị cung ứng dịch vụ cơ bản tại các điểm Bưu điện văn hóa xã để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Đầu tư mới các trang thiết bị như máy tính, đường truyền internet phục vụ nhu cầu đọc sách, báo qua mạng internet, tra cứu, tìm kiếm thông tin và giải trí của người dân. Xây dựng lộ trình và kế hoạch cụ thể để  đưa Internet băng thông rộng về tới các điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ nhu cầu thông tin, phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Thứ hai là thực hiện đào tạo, tuyển chọn nhân lực: Nhân viên phục vụ điểm Bưu điện văn hóa xã phải được tuyển chọn theo các tiêu chuẩn như có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Riêng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tối thiểu phải có trình độ tốt nghiệp trung học cơ sở và phải có phẩm chất đạo đức tốt; được đào tạo cơ bản về các nghiệp vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và nghiệp vụ thư viện; thực hiện đúng các thỏa thuận cam kết với doanh nghiệp được giao quản lý hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã. Hàng năm nhân viên các điểm Bưu điện văn hóa xã phải được đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, kiến thức pháp luật, kiến thức về thư viện,… để nâng cao hiệu quả phục vụ của nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã. Nhân viên làm việc tại điểm Bưu điện văn hóa xã được hưởng thù lao cung cấp dịch vụ, phục vụ đọc sách báo, bảo quản tài sản theo thỏa thuận với doanh nghiệp được giao quản lý hệ thống điểm Bưu điện văn hóa xã và các chế độ thù lao khác (nếu có).

Thứ ba là, cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin: Các điểm Bưu điện văn hóa xã phải đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ bưu chính, viễn thông sau: Dịch vụ thư cơ bản có khối lượng đến 02 kg và dịch vụ phát hành báo chí công ích theo quy định hiện hành; các dịch vụ bưu chính khác theo yêu cầu của Nhà nước. Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu của nhân dân vùng sâu, vùng xa, ngoài việc thực hiện cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông theo các tiêu chuẩn cơ bản về tiêu chí nông thôn mới, tại các điểm Bưu điện văn hóa xã nghiên cứu mở thêm các dịch vụ bưu chính, viễn thông như: chuyển tiền, chuyển phát nhanh, điện thoại, thu cước điện thoại, điểm đăng ký thuê bao trả trước, Internet công cộng, dịch vụ truyền hình AVG, dịch vụ chi trả bảo hiểm xã hội... và phục vụ đọc sách, báo miễn phí cho người dân. Ngoài ra, phải phát triển đa dạng các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin nhằm nâng cao thu nhập cho nhân viên Bưu điện văn hóa xã: Đưa các dịch vụ mới vào phục vụ và đổi mới hình thức cung cấp dịch vụ, hình thức hoạt động văn hóa để triển khai các hoạt động phù hợp với mô hình điểm Bưu điện văn hóa xã kết hợp kinh doanh các dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, thu cước, phát các sản phẩm bưu chính, viễn thông và hoạt động văn hóa phục vụ cộng đồng. Tăng cường công tác hướng dẫn sử dụng máy tính và ứng dụng công nghệ thông tin để người dân có thể tiếp cận và làm quen với các thiết bị công nghệ thông tin, sử dụng các dịch vụ về truy cập và tra cứu thông tin trên Internet. Qua đó, giúp người dân học tập kinh nghiệm từ sách, báo mạng, nghiên cứu áp dụng thành công khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt đem lại lợi ích kinh tế cao cho gia đình và cho xã hội. Duy trì mở cửa theo QCVN 01:2008/BTTTT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Dịch vụ bưu chính công ích số được ban hành tại Quyết định số 50/2008/QĐ-BTTTT ngày 20/8/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông tại các điểm giao dịch tối thiểu là 4giờ/ngày làm việc, để đáp ứng được nhu cầu tiếp cận dịch vụ của người dân.
Thứ tư là, nâng cao thu nhập cho lao động tại điểm Bưu điện văn hóa xã. Áp dụng cơ chế chi trả mới để ổn định tư tưởng người lao động và tạo động lực phát triển kinh doanh, Bưu điện tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện đồng bộ Quyết định số 47/QĐ-BĐVN ngày 02/02/2013 của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về điều chỉnh mức thù lao của nhân viên làm việc tại điểm Bưu điện văn hóa xã chính thức có hiệu lực thi hành từ 01/01/2013. Theo quyết định này, mức thù lao mở cửa, duy trì, cung cấp dịch vụ, phục vụ hoạt động văn hóa, trực bảo vệ tài sản của nhân viên làm việc tại điểm Bưu điện văn hóa xã theo quy định của Nhà nước và Tổng Công ty Bưu điện tối thiểu là 850.000 đồng/tháng/điểm. Để khuyến khích người lao động phát triển dịch vụ, căn cứ trên doanh thu các dịch vụ trong tháng, người lao động sẽ được trả thêm % hoa hồng theo quy định. Ngoài ra, Bưu điện tỉnh xây dựng cơ chế khuyến khích tăng trưởng doanh thu, giao chỉ tiêu kế hoạch sản lượng, doanh thu; xem xét đưa các dịch vụ phù hợp với đặc điểm của từng địa phương vào các điểm Bưu điện văn hóa xã và quy định mức chi hoa hồng một số dịch vụ ngoài các dịch vụ bắt buộc. Chi từ nguồn kinh phí của ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho nhân viên tại các điểm Bưu điện văn hóa xã là 350.000 đồng chi phí phục vụ các dịch vụ công ích, phục vụ cho việc đọc sách báo cho người dân, nâng tổng thu nhập bình quân tối thiểu của nhân viên Bưu điện văn hóa xã lên 1.200.000 đồng để động viên tinh thần nhân viên các điểm Bưu điện văn hóa xã yên tâm công tác và phục vụ hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Thứ năm là, phối hợp với các ngành trong tỉnh và phối hợp với các chương trình của Chính phủ do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Cần xác định rõ điểm Bưu điện văn hóa xã vẫn là thành phần của mạng bưu chính công cộng, đảm nhiệm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bưu chính công ích, nên cần sự ưu tiên hỗ trợ đầu tư của nhà nước, của các tổ chức để điểm Bưu điện văn hóa xã là điểm tựa để triển khai Đề án trang bị sách cho xã, phường, thị trấn của Đảng; là nơi nhận xuất bản phẩm theo chương trình mục tiêu quốc gia “Đưa thông tin về cơ sở, xã phường, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo”, các đề án và dự án đưa thông tin khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn như dự án “Nâng cao năng lực sử dụng máy tính truy nhập Internet tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates (BMGF) tài trợ. Sử dụng nguồn hỗ trợ từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích để đầu tư đưa Internet băng thông rộng về các điểm Bưu điện văn hóa xã triển khai Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin – truyền thông, điểm Bưu điện văn hóa xã sẽ là nơi đưa thông tin, nhận các thiết bị nghe nhìn. Các Sở, Ban, ngành liên quan cùng phối hợp nghiên cứu, phát triển nội dung thông tin phù hợp, hữu ích và đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn để thiết kế, xây dựng trang thông tin nông thôn trên Internet như: Thông tin về kỹ thuật, về sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn, thông tin thị trường, chính sách đầu tư, quy hoạch đất đai, các thủ tục hành chính công, các thông tin về thời tiết, dịch bệnh, giáo dục, y tế, kế hoạch hoá gia đình. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các tổ chức đoàn thể hỗ trợ đào tạo việc ứng dụng công nghệ thông tin cho nhân viên các điểm Bưu điện văn hóa xã và người dân trên địa bàn xã. Xây dựng cơ chế điều phối và triển khai thực hiện các dự án của các Sở, Ban, ngành liên quan phục vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin tại vùng nông thôn, các điểm Bưu điện văn hóa xã, tạo nguồn lực cho việc ứng dụng công nghệ thông tin xuống các huyện, xã nói chung. Sở, ngành liên quan, các Hội, đoàn thể xây dựng quy chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho điểm Bưu điện văn hóa xã hoạt động ổn định, đảm bảo cung cấp thông tin cộng đồng; xây dựng một số hoạt động tại các điểm Bưu điện văn hóa xã nhằm thu hút người dân đến sử dụng các dịch; kêu gọi sự hỗ trợ giúp đỡ từ Sở, Ban, ngành, Hội, đoàn thể ở địa phương hoặc từ các chương trình đầu tư trong nước, quốc tế về khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, khuyến học, xóa đói giảm nghèo,... để bổ sung nguồn sách báo, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin cho điểm Bưu điện văn hóa xã bằng các chương trình, kế hoạch phối hợp./.

 

Tác giả: Hòa Phát

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên Kết Website