Chi tiết tin

A+ | A | A-

Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam 06 tháng đầu năm 2014

Ngày đăng: 12:47 | 02/07/2014 Lượt xem: 861

Tỉnh Quảng Nam là một tỉnh có địa bàn rộng với 10.406 km2 diện tích tự nhiên, với 18 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó, có 03 huyện là Tây Giang, Phước Sơn và Nam Trà My (gồm 31 xã: huyện Tây Giang 10 xã, huyện Phước Sơn 11 xã và huyện Nam Trà My 10 xã) thuộc diện được đầu tư theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020; và 49 xã nghèo, 21 thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc diện được hỗ trợ chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo giai đoạn 2013-2020  theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg trong năm 2013. Với đặc điểm các đơn vị hành chính được hỗ trợ theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg đa số là vùng núi cao, địa hình đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, trình độ hiểu biết về pháp luật còn rất thấp. Do vậy, việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương trên là việc làm hết sức cần thiết.


Cơ quan thường trực Chương trình giảm nghèo tỉnh đối thoại giải thích chính sách giảm nghèo
tại xã nghèo của huyện Đông Giang năm 2013

Tình hình và kết quả thực hiện

Theo Sở Tư pháp, để triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2014,  Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch số 06/KH-STP ngày 24/02/2014 về việc triển khai tổ chức triển khai thực hiện hoạt động TGPL từ nguồn kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 52/2010/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh năm 2014. Trên cơ sở đó, Trung tâm TGPL đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa từng hoạt động để triển khai thực hiện.

Về kinh phí thực hiện, trong năm 2014 Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam chỉ sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương cho việc triển khai thực hiện các Quyết định trên. Đối với Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg, kinh phí đã bố trí là 330.000.000 đồng, riêng đối với Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg hiện nay trung ương chưa bố trí để hỗ trợ triển khai thực hiện. Trên cơ sở nguồn kinh phí đã được phân bổ năm 2014, đối với công tác TGPL lưu động trong 06 tháng đầu năm 2014 đã tổ chức TGPL lưu động tại 24/31 xã thuộc 03 huyện nghèo với tổng số lượt người đến tham dự là 1132 người; trực tiếp tư vấn đơn yêu cầu TGPL cho 252 đối tượng, với 252 vụ việc. Trong đó, chính sách, ưu đãi xã hội: 167 vụ việc, đất đai: 43 vụ việc, dân sự: 03 vụ việc, hình sự: 01 vụ việc, hành chính: 10 vụ việc, LĐ -BHXH: 02 vụ việc, HNGĐ: 03 vụ việc, khác: 23 vụ việc. Bên cạnh đó đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến khái quát một số nội dung cơ bản của các chuyên đề pháp luật về TGPL, dân sự, đất đai cho hầu hết các đối tượng đến tham dự hiểu và thực hiện. Về sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) TGPL, tổng số CLB TGPL hiện có tại 03 huyện nghèo là 31 CLB/31 xã, tổng số thành viên Ban chủ nhiệm của 31 CLB TGPL là 242 thành viên. Số lượng CLB TGPL tổ chức sinh hoạt CLB định kỳ là 31/31 CLB TGPL với số đợt sinh hoạt là 186 đợt cho hơn 4.000 người đến tham dự, số vụ việc là 200 vụ việc.

Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL được quan tâm

Nhằm nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho thành viên Ban chủ nhiệm các CLB TGPL đồng thời giúp thành viên các CLB có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn cơ sở; nâng cao kỹ năng quản lý, điều hành hoạt động, tổ chức sinh hoạt CLB đạt chất lượng. Trong năm 2014, từ nguồn kinh phí của Quyết định 52/2010/QĐ-TTg đã tổ chức 01 lớp tập huấn nghiệp vụ TGPL tại huyện Tây Giang với tổng số thành viên đến tham dự là 40 người. Nội dung tập huấn Hội nghị đã báo cáo Nghị định 14/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày ngày 12/01/2007 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; Quyết định 03/2008/QĐ-BTP ngày 28/02/2008 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp ban hành Điều lệ mẫu về tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; Luật khiếu nại; Luật phòng chống bạo lực gia đình; kỹ năng tư vấn, trợ giúp pháp lý và trao đổi, thảo luận, giải quyết những tình huống, vướng mắc từ thực tiễn.

Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân

Do đặc thù là các xã đặc biệt khó khăn nên địa hình phức tạp, nằm cách xa trung tâm tỉnh lỵ, điều kiện đi lại rất khó khăn, điều kiện thời tiết có nhiều ảnh hưởng. Vì vậy, đã gây những khó khăn nhất định cho công tác TGPL tại địa phương. Đội ngũ cán bộ làm công tác TGPL được tăng cường về số lượng, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo để thực hiện tốt  các chính sách TGPL tại các địa phương trên. Bên cạnh đó Nhà nước chưa có cơ chế thu hút về mặt chính sách để động viên lực lượng trẻ nhất là nguồn lực tại chỗ tham gia công tác này. Lực lượng Trợ giúp viên pháp lý dù được củng cố nhưng hầu hết còn trẻ nên chưa có kinh nghiệm dẫn đến việc tham gia tố tụng để bảo vệ, bào chữa cho các đối tượng được TGPL còn có những hạn chế nhất định. Các CLB TGPL tại các địa phương được hỗ trợ bởi 02 Quyết định trên đa số đã được thành lập và đi vào hoạt động, tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa cao do còn hạn chế về trình độ chuyên môn, các thành viên lại kiêm nhiệm công tác ở nhiều ngành lĩnh vực khác nhau do đó trong quá trình thực hiện chưa được đồng bộ, TGPL còn mang tính sự vụ.

Hiệu quả chính sách

Các chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 52/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg đã đạt được những kết quả đáng kể. Thông qua hoạt động thực tiễn, đã khẳng định được vị trí, vai trò của công tác này trong việc giúp đỡ pháp luật cho đông đảo người nghèo, đối tượng chính sách mà đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Hoạt động của các tổ chức thực hiện TGPL đã góp phần đưa chủ trương xoá đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội vào đời sống đồng bào; góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước giải quyết các vụ việc của công dân chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật; giải toả những vướng mắc pháp luật, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; góp phần ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.         

Tuy nhiên, để tăng hiệu quả trợ giúp pháp lý, đề nghị tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL và các văn bản pháp luật một cách chuyên sâu cho đội ngũ những người làm công tác TGPL nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho đội ngũ này; có chính sách nhằm thu hút lực lượng trẻ, có năng lực tham gia vào hoạt động TGPL; cần đầu tư về cơ sở vật chất cho Trung tâm TGPL, cũng như Chi nhánh thuộc Trung tâm tại các huyện nghèo như trang thiết bị, máy móc phục vụ cho hoạt động TGPL; đơn giản hóa các thủ tục thanh toán để tạo điều kiện thuận lợi cho việc các địa phương tích cực phối hợp thực hiện công tác TGPL có hiệu quả. Ngoài ra, việc phân bổ kinh phí thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý theo các quyết định trên cần được phân bổ và giao dự toán sớm từ đầu năm và phân bổ để phục vụ thực hiện nhiều mục cần thiết khác như : công tác tuyên truyền, in ấn, tham gia tố tụng, …. Nhằm đảm bảo cho hoạt động trợ giúp pháp lý được phong phú và hiệu quả thiết thực hơn./.

Tác giả: Hồ Xuân Khanh

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên Kết Website