Chi tiết tin

A+ | A | A-

Niềm tin của cán bộ cơ sở và hộ nghèo đối với Đề án thực hiện Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững

Ngày đăng: 18:07 | 25/06/2014 Lượt xem: 696

Tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Khoá VIII Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ đưa ra bàn và quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có bàn và quyết định đối với Đề án thực hiện Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014-2015. Thời gian tổ chức họp Hội đồng nhân nhân tỉnh trong 03 (ba ngày) từ ngày 09 đến ngày 11 tháng 7 năm 2014.


Thảo luận tại Phiên họp của UBND tỉnh với Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh về nội dung Đề án thực hiện Chính sách khuyến khích thoát nghèo

Theo nội dung Đề án do Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh lần này, thì mặt dù các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 2,5-3%, nhiều địa phương đạt mức giảm nghèo cao và duy trì kết quả giảm nghèo đó nhiều năm liền. Tuy nhiên, hiện nay kết quả giảm nghèo vẫn chưa đạt như mong muốn và chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao so với mức bình quân chung của cả nước và khu vực duyên hải miền Trung, một bộ phận hộ nghèo không muốn thoát nghèo để tiếp tục hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, một số hộ nghèo có ý thức vươn lên thoát nghèo nhưng chưa có chính sách khuyến khích hỗ trợ thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, số hộ cận nghèo, số xã và thôn đặc biệt khó khăn, số xã và thôn có tỷ lệ nghèo cao còn nhiều, mức giảm còn thấp và chưa đồng đều; chênh lệch giữa đồng bằng và miền núi còn khá lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao, nhất là vẫn còn những trường hợp đối tượng chính sách người có công là hộ nghèo.

Để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, khuyến khích, động viên, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo, thôn, bản có tỷ lệ hộ nghèo cao, UBND tỉnh xây dựng Đề án thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014-2015 với các mục tiêu như sau: (a) Phấn đấu mỗi năm tối thiểu có khoảng 2.500 hộ nghèo/12.500 nhân khẩu nghèo tự nguyện đăng thoát nghèo bền vững và không tái nghèo từ 3 năm trở lên kể từ năm 2014; (b) Phấn đấu đến cuối năm 2015 có 80 thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao từ 30% trở lên đạt tiêu chuẩn và mức giảm nghèo theo quy định của Đề án; (c) Đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh còn dưới 10%; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 5%; (d) Tăng cường cơ sở hạ tầng về sản xuất và dân sinh cho các thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao đạt tiêu chuẩn và mức giảm nghèo theo quy định thông qua việc thưởng công trình để góp phần đạt tiêu chí nông thôn mới.

Theo nội dung đề án, có 02 chính sách khuyến khích để hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, đó là: (1) Chính sách khuyến khích đối với hộ thoát nghèo bền vững: Những hộ thoát nghèo (vượt qua hộ cận nghèo) sẽ: (a) Được hỗ trợ 100% mệnh giá mua thẻ bảo hiểm y tế theo loại hình bảo hiểm y tế tự nguyện trong thời gian 02 năm (24 tháng); (b) Được miễn giảm học phí cho học sinh các cấp phổ thông; hỗ trợ chi phí học tập theo mức 70.000 đồng/học sinh/tháng cho trẻ em học mẫu giáo và học sinh các cấp phổ thông; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 3,4,5 tuổi theo mức 120.000 đồng/em/tháng (9 tháng/năm); cấp bù 50% học phí cho học sinh, sinh viên học chính quy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập theo quy định tại Quyết định số 832/QĐ-UBND ngày 16/3/2012 của UBND tỉnh. Các chính sách hỗ trợ nêu trên được thực hiện trong 02 năm học liên tục; (c) Được tiếp tục cho vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, đi xuất khẩu lao động. Mức vay tối đa là 20.000.000 đồng/hộ. Thời gian vay không quá 36 tháng. Lãi suất bằng 0%. Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện công tác hướng dẫn người vay vốn lập hồ sơ vay vốn, tổ chức thẩm định, giải ngân, thu hồi vốn... theo mức phí bằng 0,325%/hộ/tháng (65.000 đồng/hộ/tháng, 2.340.000 đồng/hộ/36 tháng); đồng thời ngân sách tỉnh bổ sung hằng năm cho Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 50 tỷ đồng) để thực hiện cho hộ thoát nghèo vay theo mức vay nêu trên; (d) Được thưởng 01 lần bằng tiền với mức 5.000.000 đồng/hộ thoát nghèo. Những cá nhân, tập thể có thành tích thoát nghèo, giảm nghèo tiêu biểu, điển hình được mời tham dự các hội nghị biểu dương, khen thưởng của các cấp. (2). Chính sách đối với thôn có tỷ lệ nghèo cao đạt tiêu chuẩn và mức giảm nghèo hằng năm giai đoạn 2014-2015: Đối với thôn có tỷ lệ nghèo cao (từ 30% trở lên) đạt tiêu chuẩn và mức giảm nghèo hằng năm giai đoạn 2014-2015 theo quy định của Đề ám thì: (a) Được thưởng bằng công trình cần thiết cho cộng đồng của thôn, trị giá 300.000.000 đồng/thôn; (b) Được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND các cấp về thành tích đạt tiêu chuẩn và mức giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định. Những thôn có thành tích tiêu biểu về giảm nghèo được mời tham dự tại hội nghị tuyên dương khen thưởng do các cấp tổ chức theo thẩm quyền.

Như vậy, với các chính sách khuyến khích nêu trên nhiều hộ nghèo có ý chí, vượt khó vươn lên trong cuộc sống để thoát nghèo bền vững và các thôn có nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững, có tỷ lệ giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo liên tục nhiều năm liền sẽ được thưởng bằng các chính sách khuyến khích của tỉnh, từ đó tạo được sự công bằng trong phát triển xã hội, khắc phục tình trạng cá nhân, tập thể ra sức phấn đấu để thoát nghèo nhưng không có cơ chế khuyến khích hỗ trợ tương xứng, còn những cá nhân, tập thể không phấn đấu thậm chí còn chay ỳ, không muốn thoát nghèo hoặc không muốn giảm tỷ lệ hộ nghèo để hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi của nhà nước trong công tác giảm nghèo. Vì vậy, Đề án nếu được thông qua sẽ là đòn bẩy, là sự động viên lớn lao, kịp thời và có ý nghĩa sâu sức đối với hộ nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo và những người làm công tác giảm nghèo tâm huyết ở địa phương, cơ sở./.

Tác giả: Hồ Xuân Khanh

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên Kết Website