Trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được sự quan tâm đúng mức của các cấp uỷ Đảng từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức hội đoàn thể và toàn xã hội. Với quyết tâm của hệ thống chính trị từ Thành phố đến xã, phường khối phố, khu dân cư và bản than người dân đến cuối năm 2014 không còn hộ nghèo trừ những hộ nghèo do già cả, ốm đau đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội hàng tháng. Vì vậy, Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn, thể hiện ở việc giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm, đặc biệt là giai đoạn 2011-2013.
Lãnh đạo Sở lao động - TBXH thăm đối tượng bảo trợ xã hội tại xã Tân Hiệp, thành phố Hội An
Tập trung chỉ đạo công tác giảm nghèo
Thực hiện Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015. Được sự thống nhất của Thành ủy - HĐND Thành phố, UBND Thành phố đã chỉ đạo cho Ban Chỉ đạo điều tra, rà sát hộ nghèo triển khai điều tra, khảo sát xác định hộ nghèo theo chuẩn mới và thống nhất điều tra một tiêu chí trên toàn Thành phố với thu nhập bình quân trên đầu người từ 500.000 đồng/ người/ tháng trở xuống là hộ nghèo (cao hơn chuẩn nghèo chung của tỉnh và quốc gia 100.000 đồng), hộ có thu nhập bình quân từ 501.000 đồng - 650.000 đồng/ người/ tháng là hộ cận nghèo và từ 651.000 đồng đến 750.000 đồng là hộ khó khăn.
Các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ
Để duy trì tốt độ giảm nghèo hằng năm, riêng năm 2013 thành phố Hội An đã chỉ đạo các ngành, các cấp trên địa bàn tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, trong đó đã giải quyết vay vốn cho 305 lượt hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền 9.897 triệu đồng, qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần từng bước cải thiện đời sống của người nghèo. Thực hiện mua và cấp 940 thẻ BHYT cho người nghèo và 2.255 thẻ cho hộ cận nghèo. Do đó, trong những năm gần đây lượng người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người thuộc cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chuyển biến rõ rệt. Trợ giúp con em người nghèo trong giáo dục, đào tạo là mối quan tâm hàng đầu của Thành phố, vì vậy trong năm 2013 các địa phương đã tiến hành cấp giấy chứng nhận miễn giảm học phí và các khoản đóng góp xây dựng trường cho hơn 500 lượt học sinh là con em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng BTXH, ngoài ra đã giải quyết hỗ trợ chi phí học tập cho 465 lượt hồ sơ học sinh thuộc diện hộ gia đình nghèo theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP với tổng số tiền là 144.760.000 đồng và 53 lượt hồ sơ cho sinh viên nghèo theo Nghị quyết số 31/2011/NQ- HĐND của HĐND tỉnh với số tiền 50.300.200 đồng. Đối với chính sách trợ giúp người nghèo về nhà ở, nhằm giúp người nghèo có chổ ở ổn định, từng bước ổn định cuộc sống, năm 2013 thành phố đã hỗ trợ xoá ở nhà tạm cho 13 hộ nghèo với tổng kinh phí 390 triệu đồng từ nguồn vận động xoá nhà tạm của Thành phố. Thực hiện Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/08/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo cư trú tại vùng khó khăn, thành phố đã giải quyết hỗ trợ cho 38 lượt người thuộc hộ gia đình nghèo của xã Tân Hiệp với số tiền là 3.040.000 đồng. Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có thêm điều kiện đón Tết cổ truyền dân tộc, Thành phố đã vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo 1.237 xuất quà với tổng giá trị là 461.300.000 đồng.
Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát phân loại hộ nghèo
Công tác điều tra rà soát hộ nghèo hằng năm được triển khai khá chặt chẽ, vừa đảm bảo nguyên tắc " Không vì thành tích mà loại bỏ hộ nghèo thực sự và ngược lại, không vì các chính sách ưu đãi cho người nghèo mà không có ý chí vươn lên thoát nghèo". Chủ trương này được quát triệt nhất quán từ Thành phố đến xã phường và được cụ thể trong quy trình điều tra. Vì vậy, trong những năm qua, thành phố không có trường hợp nào bỏ sót trong điều tra hoặc khiếu nại vì không được điều tra. Thông qua điều tra, năm 2013 thành phố đã phân loại được nguyên nhân nghèo cụ thể, từ đó có kế hoạch giảm hộ nghèo theo địa chỉ và nguyên nhân nghèo, qua theo dõi biến động hằng năm thì và càng về sau hộ nghèo càng khó thoát nghèo, trong đó tập trung chủ yếu vào nguyên nhân do gia đình có người già cả, ốm đau là 200 hộ chiếm tỷ lệ 70,42 % (cao nhất) các nguyên nhân chính là, đặc biệt toàn thành phố không có hộ nghèo có nguyên nhân nghèo là mắc TNXH và chay lười lao động. Như vậy, hầu hết các hộ nghèo tập trung chủ yếu ở nguyên nhân nghèo già cả neo đơn và ốm đau nặng là 200 hộ/284 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 70,42% đây là nhóm nguyên nhân khó có khả năng tác động nhằm trợ giúp để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững . Để công tác giảm nghèo trên địa bàn Thành phố trong năm 2014 mang lại kết quả, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể từ Thành phố đến các địa phương phải có những giải pháp thiết thực, thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp này nhằm đưa công tác giảm nghèo đạt được kết quả .
Kết quả giảm nghèo
Theo kết quả điều tra cuối năm 2012 toàn Thành phố có 451 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 2,15%, 786 hộ cận nghèo và 423 hộ khó khăn. Đến năm 2013 , tuy là năm chịu nhiều ảnh hưởng do sự suy thoái của nền kinh tế thế giới và khu vực, song, dưới sự lãnh chỉ đạo thống nhất của Thành ủy, HĐND Thành phố, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến các xã phường đã làm cho nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác giảm nghèo được nâng lên rõ rệt. Nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo được thực thi hiệu quat như các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở ... những mô hình giảm nghèo đạt hiệu quả cao từ các năm trước tiếp tục phát huy hiệu quả như chương trình cho vay hộ nghèo, Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi... Nhờ đó số hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn trên địa bàn Thành phố tiếp tục giảm xuống. Đến cuối năm 2013 trên địa bàn Thành phố chỉ còn 284 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34%, giảm 167 hộ nghèo so với cuối năm 2012, tương ứng giảm tỷ lệ 0,81%; 679 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,20% và 383 hộ khó khăn chiếm tỷ lệ 1,81 %.
Những thuận lợi, khó khăn thách thức
Công tác giảm nghèo triển khai thời gian qua đạt được là nhờ có được những kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2001-2005 và giai đoạn 2006-2010, tổ chức bộ máy làm công tác giảm nghèo hình thành và hoạt động thường xuyên, có quy chế hoạt động, phối hợp, phân định rỏ nhiệm vụ cho từng ngành, đặc biệt là phân cấp mạnh cho cơ sở. Bên cạnh đó các chương trình mục tiêu được phê duyệt, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã và đang hỗ trợ, tác động, tạo điều kiện để giảm nghèo nhanh và bền vững, nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo được ban hành, điều chỉnh, bổ sung nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn. Công tác giảm nghèo ngày càng được xã hội hóa, nhiều nguồn lực xã hội được huy động để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững... Tuy nhiên, quá trình triển cũng gặp nhiều khó khăn thách thức, nhất là những năm đến. Trước hết là số hộ nghèo còn lại hiện nay (284 hộ) rất khó thoát nghèo, trong đó số hộ nghèo có nguyên nhân do gia đình có người già cả, ốm đau lên đến 200 hộ, chiếm tỷ lệ 70,42 %. Hai là tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân cùng với sự suy thoái về kinh tế trên toàn cầu làm cho công tác giảm nghèo gặp phải những khó khăn nhất định, dẫn đến nguy cơ tỷ lệ hộ tái nghèo tăng lên. Bên cạnh đó sự phát triển kinh tế không đồng đều giữa các địa phương dẫn đến phân hoá giàu nghèo ngày càng sâu sắc, tài nguyên ngày một cạn kiệt, môi trường ngày một suy giảm, lực lượng lao động lớn tuổi, lao động chưa qua đào tạo không phù hợp với tình hình lao động hiện nay dẫn đến dôi dư và lãng phí nguồn nhân lực. Quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh dẫn đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, việc làm cho lao động lớn tuổi cũng như lao động có tay nghề thấp, chưa qua đào tạo sẽ gặp nhiều khó khăn trong khi yêu cầu về kỹ năng và tay nghề của các doanh nghiệp ngày càng cao. Bên cạnh đó, các hộ nghèo còn lại (84 hộ) có nguyên nhân nghèo đa dạng, phức tạp, trong đó tập trung cao ở các nhóm như: đông người ăn theo, thiếu lao động… các nhóm nguyên nhân khó tác động, trợ giúp để vươn lên thoát nghèo bền vững. Mặc khác một bộ phận nhân dân, người nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo hoặc xin được vào nghèo để hưởng cơ chế, chính sách giảm nghèo. Một bộ phận cán bộ làm công tác giảm nghèo còn thiếu tâm huyết, nhiệt tình trác nhiệm với công tác giảm nghèo, ứng dụng công ngghệ thôn tin trong quản lý và thực hiện chính sách giảm nghèo đối với hộ nghèo, cận nghèo còn hạn chế.
Mục tiêu giảm nghèo
Giảm nghèo là chương trình mang tính tổng hợp nên khi thực hiện phải lồng ghép, kết hợp với một số chương trình kinh tế xã hội khác và phải khẳng định rằng chương trình này có mục tiêu riêng với những giải pháp trợ giúp, có đối tượng cụ thể. Do đó, các Nghị quyết của Thành ủy - HĐND Thành phố đã yêu cầu các ngành, các cấp, các địa phương phải tập trung các nguồn lực và thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững với phương châm: " Dân giúp dân, Nhà nước hỗ trợ, Đoàn thể vận động ". Cần tạo điều kiện và cơ hội nhiều hơn cho người nghèo, người cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, thụ hưởng các chính sách xã hội, nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo và giữa các địa phương trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó tập trung mọi nguồn lực phấn đấu giảm nghèo theo Nghị quyết số 08/2013/NQ-HĐND đề ra, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 08/2013/NQ-HĐND ngày26/12/2013 của HĐND Thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2014 . Theo đó, phấn đấu vận dụng đầy đủ các giải pháp, cơ chế, chính sách để 84 hộ nghèo (trừ các hộ nghèo thuộc diện hưởng chính sách bảo trợ xã hội không thể thoát nghèo) có điều kiện vươn lên thoát nghèo trong năm 2014 (tương ứng giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,9% vào cuối năm 2014 ). Phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các chính sách trợ giúp, ưu đãi của Nhà nước.
Giải pháp và cách làm
Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo theo Nghị quyết của Thành ủy - HĐND Thành phố đề ra. Ngoài các chính sách ưu đãi hỗ trợ người nghèo hiện hành của Trung ương và Tỉnh như: Hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, đất ở … Thành phố đề nghị các cấp ủy Đảng, các ngành, đoàn thể từ Thành phố đến các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp trợ giảm nghèo cụ thể, ví dụ như đối với nhóm thiếu vốn sản xuất, thành phố đề nghị các ngành, đoàn thể phường tạo điều kiện giúp các hộ này tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo để tăng gia sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường công tác tư vấn hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, quản lý vốn. Phương thức thực hiện là tổ chức rà soát nắm bắt nguyện vọng của đối tượng, qua đó định hướng được tỷ lệ vốn vay và hạn chế việc đối tượng sử dụng nguồn vốn sai mục đích. Về tổ chức thực hiện, Thành phố giao Phòng LĐTBXH chủ trì phối hợp với NHCSXH, Hội LHPN Thành phố , các đoàn thể Thành phố và UBND phường tổ chức thực hiện hoặc đối với nhóm thiếu lao động (24 hộ với 80 khẩu nghèo, trong đó 18 đối tượng hưởng BTXH. Hầu hết các hộ này có từ 3 - 4 nhân khẩu, song đa số trong hộ thường chỉ có 1 lao động, còn lại là người già (hoặc đã qua tuổi lao động) và trẻ em đang theo học phổ thông ... để tạo điều kiện giúp các hộ này thoát nghèo bền vững, các cấp chính quyền từ Thành phố đến các địa phương cần có sự quan tâm, nắm bắt hoàn cảnh của từng trường hợp cụ thể, để từ đó có hướng giúp đỡ phù hợp như: Đối với các hộ có người đã qua tuổi lao động thì giới thiệu làm những công việc phù hợp với tình trạng sức khoẻ và tình hình thực tế của hộ như : buôn bán tạp hoá, chăn nuôi,…. Quan tâm tạo điều kiện, tìm kiếm và giới thiệu việc làm cho con em họ khi đến tuổi lao động hoặc đã học ra trường với những công việc phù hợp theo trình độ chuyên môn và sức khoẻ. Hỗ trợ về vốn vay đối với các hộ có nhu cầu vay vốn (đối với các hộ còn sức lao động) để tăng gia sản xuất, chăn nuôi.. nhằm tạo ra thu nhập ổn định kinh tế gia đình. Qua đó có thể giúp các hộ này tạo ra thu nhập cải thiện cuộc sống và từng bước vươn lên thoát nghèo. Về phương thức thực hiện, các ngành đoàn thể từ Thành phố đến các địa phương cần sớm vào cuộc nhằm nắm bắt nguyện vọng trợ giúp của đối tượng, từ đó đưa ra các định hướng và hình thức trợ giúp phù hợp. UBND các xã phường chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể Thành phố tổ chức thực hiện...
Đặc biệt đối với nhóm nguyên nhân ốm đau, già cả, qua số liệu thống kê, trong 200 hộ nghèo ốm đau, già cả có 60 hộ nghèo không có đối tượng đang hưởng chính sách BTXH. Tuy nhiên qua phân tích, trong số 60 hộ nghèo này có 27 hộ nghèo (31 khẩu ) thuộc đối tượng người cao tuổi cô đơn từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi, 03 hộ thuộc diện người đơn thân nuôi con nhỏ, còn lại 30 hộ nghèo khác là các hộ có lao động nhưng thường xuyên ốm đau hoặc thiếu việc làm. Trong 30 hộ nghèo này có 16 trẻ em đang học từ mẫu giáo đến phổ thông và 04 đối tượng đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Để tạo điều kiện cho 30 hộ nghèo này có thể vươn lên thoát nghèo trong năm 2014. Ngoài việc thực hiện một số cơ chế ,chính sách và giải pháp giảm nghèo như trên, Thành phố trích từ nguồn ngân sách một khoản kinh phí để hỗ trợ bảo lưu (trong 02 năm 2015 - 2016) một số chính sách giảm nghèo hiện hành như hỗ trợ chi phí học tập, cấp bù 50 % học phí theo Nghị quyết 31/2011/NQ-ĐND của HĐND tỉnh, thực hiện miễn giảm tiền thuế sử dụng đất, hỗ trợ tiền điện. Tổng kinh phí thực hiện bảo lưu các chính sách trong 2 năm khoản 182.760.000 đồng. Giải pháp tổ chức thực hiện là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, phát huy vai trò của mặt trận, các cấp hội đoàn thể và sự tham gia của người dân trong công tác tuyên truyền vận động nhằm làm chuyển biến nhận thức trong đội ngủ cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, huy động tối đa các nguồn lực cũng như trong tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá chương trình. Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, xác định đúng đối tượng để thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách hỗ trợ giảm nghèo, làm cơ sở cho việc thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng và đúng mục tiêu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình hỗ trợ giảm nghèo ở các cấp, các tổ chức đoàn thể nên xây dựng cơ chế mô hình giảm nghèo ở tổ chức đoàn thể mình để nhân ra diện rộng . Nâng cao vai trò theo dõi, giám sát của các thành viên ban chỉ đạo giảm nghèo Thành phố cũng như các xã phường. Tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng những gương người nghèo vươn lên làm giàu, thôn khối không còn hộ nghèo, những mô hình giảm nghèo thành công của các địa phương trong công tác giảm nghèo. Bố trí ngân sách và huy động các nguồn kinh phí, tăng cường công tác huy động quỹ " Vì người nghèo ", thông qua Mặt trận Thành phố và các xã phường kêu gọi sự ủng hộ đóng góp của các tổ chức, nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn Thành phố.
Với cách làm như trên của Thành phố Hội An, thời gian đến việc hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của Thành phố chắc chắn sẽ đạt được, từ đó góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh và của Quốc gia./.