Chi tiết tin

A+ | A | A-

Hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo trên địa bàn thành phố Tam Kỳ

Ngày đăng: 9:24 | 26/02/2014 Lượt xem: 912

Trong những năm qua, nhất là giai đoạn 2011 đến nay Thành phố Tam Kỳ đã có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kinh tế xã hội, bộ mặt thành phố đã có những bước khời sắc, xứng đáng là trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, trong công tác giảm nghèo thành phố cũng là một trong những địa phương có mức giảm nghèo nhanh, ổn định và có nhiều sáng tạo, quyết tâm trong thực hiện chương trìn

Công tác chỉ đạo điều hành và tuyên truyền chính sách, pháp luật về giảm nghèo

Để đạt mục tiêu giảm nghèo đến năm 2015, Hội đồng nhân dân thành phố Tam Kỳ đã ban hành Chương trình mục tiêu giảm nghèo thành phố giai đoạn 2011 – 2015 tại Nghị quyết số 05/2011/NQ-HĐND ngày 06/10/2011, UBND thành phố Tam Kỳ ban hành Chương trình mục tiêu giảm nghèo thành phố giai đoạn 2011 - 2015 tại Quyết định số 7715/QĐ-UBND ngày 18/11/2011. Bên cạnh đó, để tập trung chỉ đạo điều hành tốt công tác giảm nghèo, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 7930/QĐ-UBND ngày 05/12/2011  về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu việc làm và giảm nghèo thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2011-2015, đồng thời ban hành Quyết định số 1616/QĐ-UBND ngày 10/5/2013 về việc củng cố Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu việc làm và giảm nghèo thành phố Tam Kỳ giai đoạn 2011-2015, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thành phố tại Quyết định số 3528/QĐ-UBND ngày 17/7/2013, Kế hoạch số 93/KH-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2013 về thực hiện các giải pháp giảm nghèo giai đoạn 2013 - 2015,...


Hội đồng nhân dân tỉnh làm việc với thành phố Tam Kỳ
 về tình hình và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo

Trong công tác thông tin tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các phòng, ban, ngành phối hợp với hội, đoàn thể hướng dẫn UBND các xã, phường thực hiện tốt công tác này, góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về mục tiêu giảm nghèo đến được với cán bộ và nhân dân. Chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội và các địa phương tổ chức các Hội nghị, các buổi tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến người nghèo và chính sách giảm nghèo, đặc biệt là Luật Trợ giúp pháp lý, các văn bản pháp luật về bảo trợ xã hội... các ngành chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải, trợ giúp pháp lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác lao động thương binh xã hội, trợ giúp pháp lý. Nội dung các văn bản được triển khai là Luật Bình đẳng giới; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Người cao tuổi; Luật bảo hiểm xã hội; Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh dân số, các  văn bản liên quan đến chế độ bảo trợ xã hội... Đặc biệt hướng dẫn kiến thức về ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, cách làm ăn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho người nghèo. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Đài Truyền thanh - Truyền hình Tam Kỳ xây dựng nhiều chương trình, chuyên mục tuyên truyền pháp luật cho người nghèo. Qua đó, trang bị cho người dân kiến thức biết phấn đấu vươn lên thoát nghèo, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của một bộ phận người dân được thay đổi, nhiều hộ dân, cá nhân người nghèo đã tự vươn lên phát triển sản xuất. 

Kết quả hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2011-2013

Từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của trung ương, trong 03 năm (2011 - 2013), các cơ chế, chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được thành phố Tam Kỳ triển khai kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả, cụ thể: Chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển (Chương trình 257) triển khai tại 03 xã (Tam Phú, Tam Thanh, Tam Thăng) đã cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng như xây dựng Trường mầm non thôn Thượng Thanh; nâng cấp đường giao thông nông thôn tuyến Vĩnh Bình đi Xuân Quý, tuyến Tân Phú đi Phú Đông, tuyến Thạch Tân đi Thái Nam; nâng cấp, sửa chữa kênh chính Bắc- Trạm bơm Xuân Quý với tổng số tiền 8,189 tỷ đồng với trên là 84 ngàn lượt người dân được hưởng lợi từ các công trình này. Về y tế, toàn thành phố đã cấp 11.283 thẻ BHYT người nghèo, số tiền hỗ trợ 5.686.529.400 đồng, 15.351 thẻ BHYT cận nghèo, số tiền 6,2 tỷ đồng. Đã hỗ trợ xây dựng 473 nhà ở cho hộ nghèo, số tiền 14,5 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí cho 27.102 học sinh, sinh viên, số tiền 14.248.881.745 đồng, hỗ trợ tiền điện thắp sáng cho  5.222 hộ nghèo với số tiền 1.751.700.000 đồng (mỗi hộ được hỗ trợ 30.000 đồng/tháng), hỗ trợ trực tiếp cho 3.989 khẩu nghèo theo Quyết định 102/QĐ-TTg, số tiền: 319.120.000 đồng. Cho vay ưu đãi cho hộ nghèo, HSSV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, vay xuất khẩu lao động, cho vay đầu tư công trình nước sạch vệ sinh môi trường, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg với tổng số tiền trên 61 tỷ đồng với 6.529 hộ được vay... Theo cơ chế hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của tỉnh Quảng Nam quy định tại Quyết định 832/QĐ-UBND ngày 16/3/2012 của UBND tỉnh Quảng Nam, toàn thành phố đã thực hiện cấp bù 50% học phí cho 46 sinh viên, số tiền 42.713.250 đồng; hỗ trợ 30% tiền mua thẻ BHYT trong 02 năm 2012 và 2013 cho 14.785 người cận nghèo.


Xây dựng giao thông từ nguồn vốn Chương trình 257 tại xã Tam Thăng

Đa dạng biện pháp hỗ trợ để giảm nghèo nhanh và bền vững

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chương trình, chính sách giảm nghèo chung, để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập nhằm giảm nghèo bền vững, thành phố đã chỉ đạo Trung tâm ứng dụng chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp, Phòng Kinh tế và các Phòng, Ban, ngành liên quan đã xây dựng Chương trình lồng ghép để hỗ trợ, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông ngư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi như tổ chức tập huấn nhiều lớp khuyến nông, lâm, ngư (thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt ở 49 điểm về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập huấn kiến thức nuôi trồng thuỷ sản, nuôi heo hướng ngoại, nuôi bồ câu lai, sản xuất nấm bào ngư, trồng hoa cây cảnh… qua đó có 3.013 lượt đối tượng tham dự. Qua tập huấn, xây dựng 01 mô hình điểm trồng nấm bào ngư và triển khai 5 ha rau sạch tại Tân Thạnh; đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống như đóng sửa tàu thuyền, chế biến trà hương, dệt chiếu cói. Ngoài ra, để tăng nguồn lực cho công tác giảm nghèo, thành phố đã chủ trương xã hội hóa công tác giảm nghèo, trong đó xây dựng và nhân rộng, nhiều mô hình để thu hút sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt vai trò UBMTTQVN thành phố và các tổ chức hội, đoàn thể đã được phát huy, tăng cường. Các phong trào thi đua, những cách làm sáng tạo hỗ trợ cho các hội viên về phương pháp và kiến thức làm ăn để phát triển kinh tế như phong trào nhận đỡ đầu, trao phương tiện sản xuất, giúp đỡ hội viên nghèo thoát nghèo bằng nhiều hình thức và rất hiệu quả, đặc biệt Hội Phụ nữ thành phố đã duy trì và xây dựng mới 341 nhóm góp vốn quay vòng, tiết kiệm - tín dụng, tín dụng – tiết kiệm với 6.776 chị tham gia giúp nhau phát triển kinh tế để thoát nghèo (hỗ trợ vốn, con giống, phương tiện sản xuất như xe nước mía, máy trộn bê tông, máy gặt,... ), trong đó có 1.562 lượt hộ được trợ giúp, số tiền 2,7 tỷ đồng, Quỹ “Ngày vì người nghèo đã vận động 9.490.418.976  đồng hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, phương tiện sản xuất, trợ giúp học tập,... Ngoài ra, hằng năm, thành phố trích từ ngân sách 400 triệu đồng cấp qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để tăng nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm để phát triển kinh tế gia đình. Các ban, ngành, đoàn thể và địa phương đã tiến hành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với người dân về ý nghĩa, mục tiêu và chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, từ đó đề cao trách nhiệm và dần xóa bỏ sự ỷ lại, trông chờ và sự hỗ trợ của Nhà nước, qua đó nhiều hộ tự vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, thành phố vận động từ nhiều nguồn để hỗ trợ cho 19 đối tượng già cả neo đơn, khuyết tật, ốm đau nặng thuộc diện hộ nghèo mỗi tháng 300.000 đồng/ đối tượng, kể từ tháng 12/2012 đến nay.

Hiệu quả giảm nghèo

Cùng với đầu tư phát triển kinh tế xã hội và tác động của các Chương trình, dự án khác, thông qua việc thực hiện chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2011-2013, đời sống một bộ phận hộ nghèo đã được cải thiện và nâng lên, cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo được tăng cường nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, giao thông, thuỷ lợi, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm đáng kể: Năm 2011 thành phố có 1.736 hộ nghèo, tỷ lệ 6,33%, đến cuối năm 2013 số hộ nghèo giảm còn 1.021 hộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,57% (giảm 715 hộ nghèo, tương ứng giảm 2,76%).
Bài học kinh nghiệm

Đạt được hiệu quả giảm nghèo nêu trên ngoài việc hỗ trợ đầu tư như từ các chương trình, chính sách giảm nghèo thì vai trò, sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền, của Mặt trận và các hội, đoàn thể trong công tác giảm nghèo là hết sức quan trọng, mang tính quyết định; các cơ chế, chính sách, dự án giảm nghèo phải được triển khai đồng bộ, kịp thời, đầu tư hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng và phải phù hợp với điều kiện, nhu cầu thực tế của từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, giải quyết nhu cầu bức xúc của người nghèo, xã nghèo. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động giáo dục ý thức cho người dân về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình và công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo phải được thực hiện thường xuyên, bền bỉ và liên tục; công tác điều tra xác định hộ nghèo phải được chú trọng và được cấp uỷ, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong thực hiện công tác giảm nghèo. Quá trình tổ chức thực hiện có sự lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia khác để đảm bảo tăng nguồn lực thực hiện đạt các mục tiêu về giảm nghèo. Bên cạnh đó, thành phố đã có những giải pháp phù hợp nhằm huy động, phát huy mọi nguồn lực cho giảm nghèo, tạo việc làm, nhất là nguồn lực trong nhân dân, doanh nghiệp... Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo cấp xã xây dựng Chương trình, kế hoạch giảm nghèo với các mục tiêu, giải pháp cụ thể, sát đúng với tình hình thực tế, đồng thời trong tổ chức thực hiện, phải tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, thường xuyên sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nhiệm, biểu dương, nhân rộng mô hình có hiệu quả, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất để góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn./.

 

Tác giả: Hồ Xuân Khanh

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên Kết Website