Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về công tác giảm nghèo bền vững, việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính Phủ đã tác động mạnh mẽ đến công tác giảm nghèo trong cả nước, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm nhanh, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo do Quốc Hội đề ra. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm bình quân hàng năm là 2,3% (từ 14,2% năm 2010 giảm còn 11,76% trong năm 2011 và đến năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 9,6% ). Trong đó, tỉnh Quảng Nam tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 20,9% giảm so với năm 2010 là 3,28%, tỷ lệ hộ nghèo năm 2012 là 17,93% giảm so với năm 2011 là 2,97% đạt vì vượt so với mục tiêu chung của cả nước cũng như mục tiêu kế hoạch của tỉnh; so với khu vực duyên hải miền Trung (tỷ lệ hộ nghèo các năm 2010, 2011, 2012 lần lượt là 17,29, 14,49, 12,20) thì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Quảng Nam vẫn còn cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước và của khu vực. Nhưng với một địa bàn rộng lớn và khó khăn so với các tỉnh khác trong khu vực thì kết quả giảm nghèo như vậy đã là một thành công.
Cũng tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định Chương trình giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Giảm nghèo bền vững gắn với với phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện Chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, công tác giảm nghèo có nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; còn có sự sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội; cơ chế chính sách nhiều dẫn đến chồng chéo, phân tán nguồn lực, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Cá biệt có những nơi cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức; công tác tuyên truyền vận động chưa tốt dẫn đến việc người dân chưa thật chủ động thấy được việc thoát nghèo là mục tiêu cần phấn đấu, kiên trì đạt được...
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý lãnh đạo các tỉnh, thành phố lồng ghép các chỉ tiêu của Chương trình giảm nghèo bền vững vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; chủ động xây dựng cơ chế, chính sách giảm nghèo phù hợp với địa phương mình; tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân và cộng đồng hiểu được nguyên tắc, cách thức triển khai chương trình về giảm nghèo; nhân rộng các mô hình, điển hình làm tốt việc giảm nghèo bền vững để các địa phương học tập lẫn nhau...Đồng thời cũng đề nghị các Bộ, nghành và địa phương thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, chính sách, dự án giảm nghèo ở cơ sở; kịp thời báo cáo về Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo những bất cập, hạn chế để có những giải pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững... ./.