Chi tiết tin

A+ | A | A-

Chuẩn mức sống tối thiểu và chuẩn mức sống trung bình của Việt Nam giai đoạn 2021-2025

Ngày đăng: 14:12 | 21/09/2020 Lượt xem: 7480

Chuẩn mức sống tối thiểu

Chuẩn mực sống tối thiểu về thu nhập là mức thu nhập đảm bảo chi trả được những nhu cầu tối thiểu nhất mà mỗi người cần phải có để sinh sống, bao gồm nhu cầu về tiêu dùng lương thực, thực phẩm và tiêu dùng phi lương thực, thực phẩm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Chuẩn mức sống tối thiểu là cơ sở để xây dựng và ban hành chuẩn nghèo quốc gia từng giai đoạn. Chuẩn mức sống tối thiểu được xác định dựa trên phương pháp tính toán chi phí cho các nhu cầu tối thiểu của con người (chi tiêu cho lương thực thực phẩm đáp ứng nhu cầu năng lượng (Kcal) tối thiểu cần thiết để duy trì sinh hoạt bình thường của con người và các chi tiêu phi lương thực, thực phẩm) và được quy ra bằng tiền. Phương pháp này được các tổ chức quốc tế khuyến nghị áp dụng cho các nước đang phát triển, cũng là phương pháp đã được áp dụng từ trước đến nay ở Việt Nam.

Tổng cục Thống kê xác định mức sống tối thiểu dựa trên các tiêu chuẩn sau: (1) giá trị rổ hàng hóa lương thực thực phẩm cung cấp 2.100 Kcal/người/ngày năm 2018; (2) tỷ lệ lương thực thực phẩm trong tổng chi tiêu áp dụng với khu vực thành thị là 42,1%, áp dụng với khu vực nông thôn là 50%; (3) chỉ số giá tiêu dùng năm 2020 sẽ tăng 3%. Theo đó, Tổng cục Thống kê đã tính toán chuẩn mức sống tối thiểu tính đến tháng 01/2021 ước tính là 1.586.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2.065.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Và, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất chuẩn mức sống tối thiểu là 1.586.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2.065.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

Chuẩn mức sống trung bình

Chuẩn mức sống trung bình về thu nhập: là mức thu nhập mà ở mức đó người dân đã đạt được mức sống trung bình của xã hội, bao gồm nhu cầu về tiêu dùng lương thực, thực phẩm và tiêudùng phi lương thực, thực phẩm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Chuẩn mức sống trung bình cũng là cơ sở để xây dựng và ban hành chuẩn nghèo quốc gia trong từng thời kỳ, nó vừa có ý nghĩa là thước đo, đánh giá sự phát triển chung kinh tế - xã hội của đất nước, mức độ cải thiện, nâng cao đời sống và phúc lợi cho người dân, vừa là cơ sở xác định nhóm dân cư có mức sống dưới mức trung bình xã hội để thực hiện một số chính sách hỗ trợ cần thiết như hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế đối với các hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Tổng cục Thống kê tính toán chuẩn mức sống trung bình ở Việt Nam cao gấp 1,5 lần chuẩn mức sống tối thiểu, tương ứng với từng khu vực nông thôn và thành thị và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sử dụng chuẩn mức sống trung bình là 2,25 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 03 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị. Dự báo tại thời điểm tháng 01/2021, cả nước có khoảng 13,2% hộ dân cư có thu nhập bình quân trên mức sống tối thiểu đến mức sống trung bình, tương ứng với khoảng 3,57 triệu hộ, tương ứng với khoảng 13,88 triệu người; trong đó, có khoảng 14,5 % hộ dân cư ở khu vực nông thôn và khoảng 10,8% hộ dân cư ở khu vực thành thị.

Như vậy, khi thực hiện xác định được Chuẩn mực sống tối thiểu và Chuẩn mức sống trung bình giai đoạn 201-2025, cũng đồng thời xác định được Chuẩn chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 201-2025 làm cơ sở cho các địa phương tổ chức tổng điều tra, đánh giá thực trạng tình hình nghèo đói và mức sống dân cư, đề xuất các giải pháp thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững./.


Tác giả: Hồ Xuân Khanh

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: