Theo hướng dẫn của Liên ngành: Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Nam. Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ thoát nghèo bền vững thông qua hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng theo quy định tại Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 16/9/2014 của UBND tỉnh, được hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Đối tượng và điều kiện được hỗ trợ lãi suất
a) Đối tượng được hỗ trợ lãi suất là hộ gia đình thoát nghèo vượt qua chuẩn cận nghèo đủ điều kiện hưởng chính sách khuyến khích thoát nghèo quy định tại Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 16/9/2014 của UBND tỉnh, có tên trong danh sách hộ được hưởng chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững do UBND cấp huyện phê duyệt; có khả năng lao động và có nhu cầu, nguyện vọng vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, đi xuất khẩu lao động.
b) Điều kiện được hỗ trợ lãi suất vay là phải có khế ước hoặc hợp đồng vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, đi xuất khẩu lao động được các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hợp pháp trên địa bàn tỉnh giải quyết cho vay.
2. Thời gian, phương thức và mức hỗ trợ lãi suất tiền vay
a) Thời gian hỗ trợ lãi suất bằng thời gian vay nhưng tối đa không quá 36 tháng tính từ ngày vay. Thời gian kết thúc hỗ trợ lãi suất là ngày 31/12/2018, cụ thể:
- Đăng ký năm 2014 và được công nhận thoát nghèo năm 2014: Được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay tính từ ngày vay trong năm 2015 đến hết thời gian vay nhưng không quá 36 tháng.
- Đăng ký năm 2015 và được công nhận thoát nghèo năm 2015: Được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay tính từ ngày vay trong năm 2016 đến hết thời gian vay và kết thúc hỗ trợ trước 31/12/2018.
Lưu ý: các trường hợp đã vay vốn từ trước khi có Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 16/9/2014 của UBND tỉnh và hiện nay còn dư nợ vay, nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo quy định thì vẫn được hỗ trợ lãi suất tiền vay theo thời gian còn lại của món vay nhưng tối đa không quá 36 tháng.
Nếu đến thời điểm điều tra, khảo sát hộ nghèo của năm sau, mà hộ gia đình không được tiếp tục công nhận hộ thoát nghèo (lại tái nghèo) thì dừng ngay việc hỗ trợ lãi suất theo quy định.
b) Phương thức hỗ trợ lãi suất: Hỗ trợ trực tiếp cho người vay.
c) Mức vay được hỗ trợ lãi suất bằng số tiền vay nhưng tối đa không quá 20.000.000 đồng/hộ. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay, cụ thể:
- Trường hợp hộ thoát nghèo đủ điều kiện vay vốn từ các chương trình cho vay do Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu lao động theo mức lãi suất vay của chương trình tín dụng đó.
- Trường hợp hộ thoát nghèo vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hợp pháp: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn theo mức lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hợp pháp nhưng tối đa không vượt quá lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước.
3. Hồ sơ, thủ tục và quy trình thực hiện hỗ trợ lãi suất
a) Hồ sơ, thủ tục
Đối tượng hưởng chính sách chỉ lập hồ sơ, thủ tục 01 lần ngay sau khi được vay vốn của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng hợp pháp; trường hợp tổng mức vay nhiều lần mới đạt mức hỗ trợ tối đa thì phải lập hồ sơ theo từng lần vay.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất tiền vay, gồm:
- Đơn đề nghị hỗ trợ lãi suất (theo mẫu phụ lục đính kèm);
- Bản sao Sổ hộ khẩu gia đình;
- Bản sao chứng thực Hợp đồng (Khế ước hoặc sổ) vay vốn hoặc các giấy tờ khác chứng minh được số tiền vay;
- Biên lai thu tiền lãi của ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp.
b) Quy trình thực hiện
- Để được hỗ trợ lãi suất, đại diện hộ gia đình thoát nghèo vượt qua chuẩn cận nghèo đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất phải làm đơn (theo mẫu đính kèm), kèm theo các thủ tục quy định tại điểm a khoản 3 Công văn này nộp cho UBND cấp xã (cán bộ theo dõi công tác giảm nghèo tại xã nhận hồ sơ này).
- UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm tra hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất; định kỳ vào cuối mỗi tháng tổng hợp danh sách hộ thoát nghèo đủ điều kiện và nhu cầu kinh phí hỗ trợ lãi suất, có công văn gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì đề nghị đối tượng bổ sung kịp thời, nếu không đủ điều kiện hỗ trợ thì giải thích rõ lý do để đối tượng biết.
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra, xét duyệt và phối hợp Phòng Tài chính - Kế hoạch trình UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ làm cơ sở lập dự toán kinh phí, có công văn báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thẩm tra, tổng hợp gửi Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định cấp bổ sung kinh phí thực hiện theo quy định.
- Căn cứ quyết định cấp kinh phí của UBND tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu UBND huyện, thành phố quyết định cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp xã để thực hiện chi trả trực tiếp cho đối tượng.
- Căn cứ Quyết định chi hỗ trợ của UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã niêm yết công khai danh sách đối tượng được hỗ trợ tại trụ sở UBND xã theo quy định và thực hiện chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho hộ thoát nghèo; tổng hợp quyết toán vào ngân sách cấp xã đúng quy định.
4. Thời gian chi trả và trách nhiệm chi trả tiền hỗ trợ lãi suất
a) Thời gian chi trả: Thực hiện theo quý ngay sau khi có Quyết định cấp kinh phí của UBND cấp huyện cho cấp xã và kết thúc thời gian niêm yết công khai danh sách hộ thoát nghèo được hỗ trợ lãi suất
b) Trách nhiệm chi trả: UBND cấp xã giao nhiệm vụ cho cán bộ giảm nghèo thực hiện chi trả trực tiếp tiền hỗ trợ lãi suất cho hộ thoát nghèo theo danh sách được UBND cấp huyện phê duyệt hỗ trợ.