Năm 2006, xã Tam Phước huyện Phú Ninh được UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình giảm nghèo theo Quyết định số 2952/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2006. Theo đó, xã Tam Phước được ngân sách dự án tỉnh hỗ trợ 436.000.000 đồng để hỗ trợ 122 hộ nghèo vay vốn không lãi suất (chu kỳ vay vốn là 36 tháng) để đầu tư trồng dưa hấu địa phương và phát triển đàn heo siêu nạc, góp phần giảm nghèo.
Nhiều hộ nghèo thoát nghèo bền vững từ mô hình chăn nuôi heo
Kết quả, hiệu quả thực hiện
Theo báo cáo của cơ quan thường trực chương trình giảm nghèo huyện Phú Ninh và Ban quản lý Dự án xã Tam Phước. Xã đã tiến hành lập hồ sơ, thủ tục cho 100 hộ nghèo vay vốn với tổng dư nợ 335.500.000 đồng, gồm 22 hộ chăn nuôi heo với số vốn vay là 66.000.000 đồng và 78 hộ trồng dưa với số vốn vay là 269.500.000 đồng. Sau 08 năm triển khai thực hiện, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững. Nếu năm đầu triển khai thực hiện dự án vào (năm 2007) xã Tam Phước có 272 hộ nghèo chiếm tỉ lệ 14,51% đến năm 2009 giảm còn 221 hộ nghèo, tỉ lệ 11,64% và đến nay giảm còn 81 hộ nghèo, tỉ lệ 3,98 %. Trong số 100 hộ nghèo vay vốn đã có 95 hộ thoát nghèo và chỉ còn 05 hộ nghèo không thoát nghèo. Nguyên nhân là do tai nạn đột xuất, bệnh tật, hoàn cảnh quá khó khăn, già cả nên không thể thoát nghèo.
Một số khó khăn
Theo báo cáo đánh giá của UBND xã Tam Phước, quá trình triển khai còn một số khó khăn, tồn tại đó là tình trạng một số hộ dân thiếu ý thức tự giác, cho đây là vốn hỗ trợ cho không của nhà nước nên chây lì không chịu trả nợ theo cam kết, mặt khác do dự án phê duyệt danh sách hộ nghèo hưởng lợi cụ thể nên địa phương không thể điều chuyển cho hộ khác thám gia tong khi đó một số hộ nghèo được phê duyệt tham gia dự án chưa có nhu cầu vay vốn thì sang năm 2008 hộ đó thoát nghèo, mặt khác mức vay chăn nuôi heo siêu nạc quá thấp (3.000.000 đồng/hộ) nên khó triển khai thực hiện, một số hộ nghèo do nghiều nguyên nhân bất khả kháng nên không tiếp tục đầu tư và không thể thoát nghèo.
Công tác thu hồi vốn
Theo quy định của UBND tỉnh, đây là nguồn vốn thu hồi và bảo toàn vốn (chỉ cho mượn vốn không lãi). Vì vậy, xã Tam Phước đã thu hồi được 240.700.000 đồng, số tiền còn lại chưa thu hồi là 94.800.000 đồng. UBND xã cũng đã thành lập Tổ kiểm tra xuống từng hộ gia đình để kiểm tra lập biên bản các hộ chưa hoàn trả vớn và ấn định thời gian để các hộ cam kết hoàn trả lại số tiền vay cho UBND xã để tiếp tục đầu tư cho các hộ nghèo khác hưởng lợi.
Những đề nghị
Để tiếp tục thực hiện phương án đầu tư mô hình giảm nghèo từ nguồn vốn thu hồi của dự án, xã Tam Phước đã đề nghị UBND huyện cho xã Tam Phước sử dụng 90.500.000 đồng chưa giải ngân và 14.500.000 đồng từ nguồn vốn đã thu hồi được (240.700.000 đồng) tiếp tục hỗ trợ cho 07 hộ nghèo của xã để phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản. Mức hỗ trợ 15.000.000 đồng/hộ nghèo. Số tiền thu hồi được còn lại (226.200.000 đồng), UBND xã Tam Phước và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất đề nghị UBND huyện và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển cho UBND xã Tam Đại để đầu tư xây dựng mô hình giảm nghèo./.