Kết quả phân bổ, sử dụng vốn
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam thì tổng vốn kế hoạch giao năm 2014 để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất tại 03 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang) là 21.668 triệu đồng. Tính đến nay, các địa phương đã thực hiện 20.104,67 triệu đồng, đạt 93,55% kế hoạch (giải ngân đến ngày 30/11/2014 đạt trên 80% vốn : Nam Trà My: 80%; Phước Sơn: 56,73%; Tây Giang: 91,64%).
Kết quả thực hiện các chính sách đặc thù
Các huyện nghèo đã thực hiện khoán bảo vệ quản lý BVR 17.016ha, kinh phí 4.963,7 triệu đồng; hỗ trợ giống cây trồng 15.140,97 triệu đồng (hỗ trợ giống cây ba kích; cây Đẳng sâm; Sâm Ngọc Linh; chuối; Bời lời; hỗ trợ giống lúa; Ngô; xây dựng mô hình trồng ớt xiêm). Hỗ trợ con vật nuôi cho hộ dân 4.996,52 triệu đồng như hỗ trợ chăn nuôi bò; lợn; dê; gia cầm. Hỗ trợ công cụ dụng cụ sản xuất 1.239,56 triệu đồng và các hỗ trợ khác theo Nghị quyết 30a.
Nhìn chung, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a của Chính Phủ có ý nghĩa hết sức thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào miền núi. Nhờ có nguồn vốn Nghị quyết 30a và các nguồn vốn khác đầu tư trên địa bàn, các huyện đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư hỗ trợ các loại giống cây trồng, con vật nuôi, vật tư, ... phù hợp với nhu cầu, tập quán và điều kiện sản xuất của người dân như: khai hoang, phục hoá, chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi, ...nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh đất đai, lao động để chuyển hướng sản xuất hàng hoá theo nhu cầu của thị trường, diện tích đất rừng được giao sử dụng hiệu quả; rừng được giao có chủ đã được quản lý bảo vệ tốt hơn, tăng độ che phủ, chống xói mòn, hạn chế thiên tai và tạo môi trường sinh thái bền vững. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của đồng bào miền núi; góp phần giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Mục tiêu về
Những tồn tại hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là kết quả đạt được chưa như mong muốn, một số văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện còn chậm; một số nội dung hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế, nên quá trình triển khai thực hiện gặp một số khó khăn nhất định, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả đầu tư. Một số địa phương, công tác triển khai còn nhiều lúng túng, từ khâu lập kế hoạch, phân bổ vốn, đến khâu tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát. Đại đa số người dân ở các huyện nghèo là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tình hình kinh tế -xã hội chậm phát triển, sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ dân trí chưa cao, trình độ và năng lực của cán bộ cơ sở còn hạn chế, nên việc triển khai thực hiện hiệu quả chưa như mong đợi. Điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh. Cán bộ khuyến nông đã được đào tạo và được tăng cường về cơ sở thôn bản, song do năng lực còn hạn chế nên việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn cho bà con đạt hiệu quả chưa cao. Công tác giao khoán BVR theo quy định giao khoán phải đến hộ gia đình trong khi đó có một số diện tích rừng rất xung yếu, phải được quản lý bảo vệ, số diện tích trên do cộng đồng làng quản lý, hoặc do nhóm hộ quản lý, không thể giao khoán đến hộ gia đình nên việc giao khoán gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu lập thủ tục và thanh toán. Nguồn kinh phí phân bổ hằng năm của nhà nước còn hạn chế, chưa bố trí đủ theo các nội dung trong Đề án được duyệt, do đó huyện chỉ bố trí kinh phí phát triển sản xuất như: quản lý bảo vệ rừng, khai hoang, phục hoá, đầu tư thuỷ lợi và một số giống cây trồng, vật nuôi chủ yếu, nên việc thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó định mức hỗ trợ còn thấp, chưa đáp ứng thực tế (hỗ trợ 10 triệu/ hộ để mua bò, trâu còn quá thấp so với thực tế từ 15-18 triệu đòng/01 con bò), hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, theo quy định hỗ trợ một lần là không phù hợp, do kinh phí hằng năm Nhà nước hỗ trợ còn quá ít, không đủ kinh phí mua nhiều loại giống cây, con vật nuôi để cấp cho hộ gia đình một lần mà phải mua nhiều năm, nhiều lần để hỗ trợ cho dân, vừa phù hợp với kinh phí phân bổ hàng năm, vừa dễ tổ chức thực hiện, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất cũng như phù hợp với tập quán sản xuất của người dân.
Đề xuất và kiến nghị
Cần có chính sách tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ, đầu tư theo hình thức cuốn chiếu (đầu tư hgoàn thành dứt điểm từng nội dung) cho phát triển sản xuất nhằm tạo chuyển biến thật sự về vật chất và tinh thần cho đồng bào vùng dân tộc như đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi để phục vụ sản xuất những nơi có điều kiện; phát triển khuyến nông, khuyến lâm, thú y, BVTV; tăng cường hỗ trợ về giống, phát triển chăn nuôi, trồng rừng và chăm sóc bảo vệ rừng. Đối với hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao, cần có chính sách hỗ trợ nhiều lần, nhiều năm, không nhất thiết hỗ trợ một lần như quy định, đồng thời nâng mức hỗ trợ từ 01 ha lên 02 ha/hộ (tuy nhiên mức hỗ trợ không được vượt quá kinh phí hỗ trợ theo quy định), nâng mức hỗ trợ chăn nuôi bò giống từ 10 triệu lên 15 triệu/ hộ để đủ kinh phí mỗi hộ mua được 01 con bò phát triển chăn nuôi. Ngoài mức hỗ trợ 300.000đ/ha bảo vệ rừng theo quy định, đề nghị bổ sung thêm 200.000đ/ ha ban đầu cho lập hồ sơ QLBVR, cắm cột mốc, kiểm tra, nghiệm thu và lập hồ sơ thanh quyết toán. Ban hành mức hỗ trợ cho khuyến nông viên thôn, bản theo Quyết định 2322/QĐ-UBND ngày 25/7/2014 của UBND tỉnh. Có cơ chế cho phép được trích từ 3-5% trên tổng số vốn phát triển sản xuất phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, để tạo điều kiện cho địa phương chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động hỗ trợ sản xuất trên địa bàn./.