Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân xấp xỉ 3%/năm. Thành công đó là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc mạnh mẽ của MTTQ, các đoàn thể nhân dân.
Cơ quan thường trực chương trình giảm nghèo tỉnh tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến bàn giải pháp hỗ trợ giảm nghèo
Công tác chỉ đạo điều hành thực hiện Nghị quyết 80
Thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ, ngòa việc chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung của quốc gia thì tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt HĐND ban hành 02 Nghị quyết và theo đó UBND tỉnh cụ thể hóa tại 02 Quyết định đối với công tác giảm nghèo (Nghị quyết số 31/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của HĐND và Quyết định số 832/QĐ-UBND ngày 16/3/2012 của UBND tỉnh về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 119/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh và Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 16/9/2014 của UBND tỉnh về thực hiện Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014-2015). Tỉnh uỷ ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 01/10/2012 thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI) “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, Kết luận số 96-KL/TU ngày 22/7/2013 về đẩy mạnh công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành chương trình giảm nghèo, UBND tỉnh thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Chương trình và ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc, đồng thời phân công các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình đứng điểm, phụ trách theo địa bàn từng huyện, thành phố, ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát Chương trình giai đoạn 2013-2015. Đặc biệt, để theo dõi, tham mưu làm đầu mối trong việc thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo, từ chủ trương của Tỉnh Ủy và HĐND tỉnh, UBND tỉnh thống nhất thành lập Văn phòng Chương trình hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh đặt tại Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (bố trí kinh phí hoạt động, cán bộ làm việc, nơi làm việc).
Tình hình thực hiện 2011-2014
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2014 (đã bao gồm Chương trình 135 và Chương trình 30a năm 2011 và 2012) là 1.048,323 tỷ đồng, trong đó NSTW là 973,616 tỷ đồng, NSĐP và huy động khác là 74,707 tỷ đồng. Ước giải ngân đạt 99,67% kế hoạch vốn đã bố trí.
Đối với việc thực hiện Dự án 1: Chương trình 30a, bao gồm nội dung, nhiệm vụ của Chương trình 30a đang thực hiện và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo: 719,198 tỷ đồng, thực hiện 03 tiểu dự án sau: Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo: Từ năm 2011-2014 phân bổ 562,057 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển 475,135 tỷ đồng) để thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng 396 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, đến nay đã giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn, tương ứng 536 tỷ đồng. Uớc đến hết thời gian quy định về thanh toán vốn, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn. Tiểu dự án 2: Từ năm 2011-2014, phân bổ 90,076 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển 81,037 tỷ đồng) để thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng 114 công trình cơ sở hạ tầng tại 21 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo (năm 2013 phân bổ kinh phí cho 18/19 xã). Đến nay đã giải ngân 83,276 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 91% kế hoạch vốn. Uớc đến hết thời gian quy định giải ngân 87,276 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch vốn giai đoạn 2011-2015. Bình quân mỗi năm bố trí 20,259 tỷ đồng. Tiểu Dự án 3: Từ năm 2011-2014, đã phân bổ 72,982 tỷ đồng, các huyện đã thực hiện được những chính sách như: hỗ trợ hộ dân nhận chăm sóc, bảo vệ rừng; hỗ trợ gạo đối với hộ nghèo giáp biên giới; hỗ trợ một lần cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung làm chuồng trại; khai hoang, phục hóa; tăng cường cán bộ khuyến nông, lâm, ngư; xây dựng và đưa vào hoạt động 04 Trung tâm dạy nghề của 04 huyện nghèo (Nam Trà My năm 2011; Phước Sơn và Tây Giang năm 2012; Bắc Trà My: 2013). Đến nay đã giải ngân 63,8 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 87% kế hoạch vốn. Ước đến hết thời gian quy định 2014 tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn.

Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh họp thường kỳ để đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo
Về kết quả thực hiện dự Dự án 2: Chương trình 135, bao gồm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn: Từ năm 2011-2014, phân bổ 313,611 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 265,4 tỷ đồng, đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 485 công trình cơ sở hạ tầng các loại. Đến nay tỷ lệ giải ngân đạt 93% kế hoạch vốn, tương ứng 247 tỷ đồng. Ước thực hiện đến cuối năm 2014 đạt 100% kế hoạch vốn. Từ nguồn vốn sự nghiệp (48,2 tỷ đồng) các địa phương đã triển thực hiện các hợp phần của dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 135, đến nay tỷ lệ giải ngân đạt 70%, ước tỷ lệ giải ngân đến hết thời gian quy định đạt 100% kế hoạch vốn. Bình quân mỗi năm bố trí 82,9 tỷ đồng.
Công trình Cầu treo được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 30a
Đối với Dự án 3: Nhân rộng mô hình giảm nghèo: Từ năm 2011-2014, Trung ương đã phân bổ 3,5 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư xây dựng, nhân rộng 07 mô hình giảm nghèo tại 07 xã với 378 hộ nghèo tham gia hưởng lợi, cụ thể: Năm 2011, đầu tư Mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò cái sinh sản tại xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc (70 hộ/511 triệu) và xã Bình Quế, huyện Thăng Bình (70 hộ/462 triệu); năm 2012, đầu tư mô hình nuôi nhím sinh sản tại xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My (27 hộ/520 triệu và mô hình nuôi gà thả vườn an toàn dịch bệnh tại xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước (98 hộ/480 triệu đồng); năm 2013, nhân rộng mô hình nuôi nhím sinh sản tại xã Ba, huyện Đông Giang (26 hộ/500 triệu) và mô hình nuôi bò cái sinh sản và mô hình nuôi bồ câu thương phẩm tại xã Bình Sơn, huyện Hiệp Đức (37 hộ/500 triệu); năm 2014, nhân rộng mô hình chăn nuôi bò cái lai sinh sản tại xã Bình Nam, Thăng Bình (50 hộ/500 triệu, hiện xã đang triển khai dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2014). Đến nay đã giải ngân 03 tỷ đồng/3,5 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 85,71%. Ước đến hết thời gian quy định, tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn (do năm 2014 đang thực hiện). Bình quân mỗi năm bố trí 875 triệu đồng, số hộ nghèo tham gia dự án mô hình đã thoát nghèo 219 hộ, đạt 57,94% số hộ tham gia.

Từ nguồn vốn đàu tư chương trình 257, nhiều công trình giao thông ở các xã ĐBKK bãi ngang ven biển được đầu tư xây dựng
Dự án 4: Hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình: Từ năm 2011-2014, trên cơ sở nguồn kinh phí phân bổ (5,097 tỷ đồng), đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, tham vấn, đối thoại chính sách giảm nghèo cho 1.100 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo của các cấp (huyện, xã và trưởng thôn, khối phố, người nghèo); xây dựng website giảm nghèo của tỉnh (địa chỉ: giamngheo.sldtbxh.quangnam.gov.vn), phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo trực tuyến (địa chỉ: qlhongheo. sldtbxh.quangnam.gov.vn).... để phục vụ tuyên truyền, quản lý đối tượng và tổ chức thực các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo cũng như chỉ đạo điều hành, xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách cho chương trình. Đến nay tỷ lệ giải ngân đạt 83,4% kế hoạch, ước đến hết thời gian quy định tỷ lệ giải ngân đạt 89,3% kế hoạch vốn. Bình quân mỗi năm bố trí 1,274 tỷ đồng.
Khóa tập huấn chuyển giao phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo trực tuyến cho cán bộ xã
Các kết quả đạt được so với mục tiêu và những khó khó khăn, vướng mắc
So với mục tiêu của Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ năm 2011-2013 giảm bình quân 2,995%/năm, vượt 49,5% kế hoạch so với mục tiêu của Nghị quyết 80/NQ-CP (2% năm); ước đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 9%, bình quân giảm 2,98%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của 03 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm bình quân 5,1%/năm, từ 70,6% năm 2011 giảm còn 60,39% năm 2013, vượt so với mục tiêu của Nghị quyết 80/NQ-CP (4%/năm). Với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các huyện nghèo hiện nay như trên, ước tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của các huyện nghèo đến cuối năm 2015 giảm còn khoảng 50%, không đạt so với mục tiêu của Nghị quyết 30a (đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của tỉnh (năm 2015 dự kiến toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 9%).
Như vậy, thông qua đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp của Chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo thì điều kiện sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, nhất là về y tế, giáo dục, nhà ở; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; người nghèo đã tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, từng bước xóa bỏ tập quán du canh du cư, đốt nương làm rẫy, đời sống nhân dân và an ninh địa phương ngày càng ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh như điện, đường giao thông, chợ, hệ thống thủy lợi,... đã góp phần đáp ứng được yêu cầu cấp bách của người dân và địa phương nghèo, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu hàng hóa, văn hóa giữa các vùng, giữa các địa phương, nhất là tại các xã biên giới, xã vùng cao. Các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông, giám sát đánh giá chương trình như tập huấn, đối thoại, tham vấn, phát hành tờ rơi, pano,... 100% cán bộ giảm nghèo cấp xã được tập huấn về các chủ trương, chính sách mới ban hành của Trung ương và của tỉnh; hầu hết cán bộ cấp xã và người dân nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước giảm nghèo và an sinh xã hội, góp phần nâng cao trình độ của đội ngủ cán bộ cấp xã cũng như trình độ dân trí của người dân; nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động kiểm tra, giám sát tại địa phương.
Những khó khăn, vướng mắc và tồn tại hạn chế
Tỷ lệ giảm nghèo tuy nhiều (bình quân gần 3%/năm) và nhanh (từ 20,91% năm 2011 giảm còn 14,91% cuối năm 2013, nhưng vẫn còn cao gấp hai lần so mức bình quân chung của cả nước (7,8%) và gần 1,5 lần so với khu vực Duyên hải miền trung (10,15%). bên cạnh đó, việc ban hành quá nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp đến hộ nghèo đã tạo nên tâm lý ỷ lại, không muốn thoát nghèo; mặt khác, do nhiều bộ ngành tham mưu ban hành nên chồng chéo, phân tán nguồn lực, khó triển khai, theo dõi, tổng hợp và đánh giá hiệu quả như các chế độ hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện nghèo và xã nghèo (ĐBKK) theo quy định tại Nghị quyết 30a (nay là tiểu dự án 3, dự án 1 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) và Chương trình 135 (Dự án 2, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) tổ chức triển khai trên cùng địa bàn xã nghèo của huyện nghèo chồng chéo về nội dung đầu tư và đối tượng hưởng lợi, kể cả hướng dẫn không đồng nhất giữa Thông tư số 86/2009/TT-BNNPTNT và Thông tư số 05/2013/TTLT-UBDT-NNPTNT-KHĐT-TC-XD).
Cơ chế quản lý điều hành Chương trình ở địa phương (tỉnh, huyện, xã) chưa được trung ương hướng dẫn thực hiện thống nhất; nguồn lực bố trí thực hiện chưa đảm bảo theo nhu cầu thực tế để đạt mục tiêu đề ra của Chương trình, mức hỗ trợ thực hiện còn thấp, phân bổ chưa đủ và kịp thời theo Đề án đã phê duyệt (chưa phân bổ kinh phí đối với huyện Nam Giang và Đông Giang theo Quyết định số 293/QĐ-TTg; chưa phân bổ vốn đối với xã nghèo ĐBKK thuộc Chương trình 135 và Chương trình 257 đối với các xã mới phê duyệt bổ sung cũng như mức đầu tư theo Quyết định số 551/QĐ-TTg). Một số nội dung, chính sách thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện (Chương trình 30a đối với Dự án 1, nguồn kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy nghề đối với các Trung tâm dạy nghề thuộc các huyện nghèo,...).
Một số giải pháp thực hiện đến năm 2015
Về tổ chức thực hiện, cần tăng cường công tác truyên truyền, nhất là công tác tuyên truyền vận động hộ nghèo nhận thức về tính tự trọng, tự ái và trách nhiệm bản thân để chủ động, tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững. Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo của trung ương và tỉnh đã ban hành, đặc biệt là tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết số 119/2014/NQ-HĐND ngày 11/9/2014 để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 9% vào cuối năm 2015. Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ giảm nghèo cụ thể theo hướng giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo theo địa chỉ, nguyên nhân nghèo và nguyện vọng, nội lực, khả năng và điều kiện (đất đai, lao động, ...) của từng nhóm hộ nghèo. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng, hoàn thiện các phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo trực tuyến; phần mềm theo dõi tình hình (tiến độ, kết quả) thực hiên chương trình, chính sách giảm nghèo; phần mềm thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo để phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ và đúng quy định (đối tượng, chế độ, nội dung hỗ trợ, đầu tư...). Tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh.

Ban VHXH, HĐND tỉnh làm việc với Thành phố Tam Kỳ về công tác giảm nghèo và tính khả thi của chính sách khuyến khích thoát nghèo
Về giải pháp nguồn vốn, thực hiện giao kế hoạch vốn đầu năm cho các ngành, đơn vị và địa phương để chủ động tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo trên cơ sở lập kế hoạch giảm nghèo có sự tham gia theo đúng quy trình lập kế hoạch, cương quyết không giao kế hoạch vốn cho các đơn vị, địa phương không thực hiện đúng quy trình, thời gian quy định. Ưu tiên và bố trí đủ vốn từ nguồn ngân sách tỉnh cho các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù mà tỉnh đã ban hành tại Nghị quyết số 31/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 119/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 về Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014-2015, Nghị quyết số 55/2012/NQ-HĐND ngày 19/9/2012 Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2016 và định hướng đến năm 2020. Thực hiện bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án giảm nghèo mà tỉnh Quảng Nam đã cam kết với trung ương và tổ chức quốc tế, cũng như đối ứng vốn theo đúng quy định của trung ương về bố trí vốn ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo.