Kết thúc năm 2014, mặc dù bối cảnh kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo ưu tiên về nguồn lực của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và toàn xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn khoảng 5,8-6% và dự kiến sẽ đạt và vượt mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo phát biểu tại hội thảo
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chưa đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc còn cao so với mức bình quân của cả nước, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao do các nguyên nhân khác nhau; hệ thống chính sách giảm nghèo mặc dù tương đối toàn diện nhưng còn có sự chồng chéo, phân tán, dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao; tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách giảm nghèo còn diễn ra ở một bộ phận người nghèo, không muốn thoát nghèo; cơ chế phân cấp, trao quyền cho cơ sở, cộng đồng còn có sự bất cập, dẫn đến sự tham gia của người dân còn hạn chế. Xuất phát từ những hạn chế, tồn tại nêu trên, ngày 24 tháng 6 năm 2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 76/2014/QH13 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Nghị quyết 76 của Quốc hội, trên cơ sở đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức Quốc tế nghiên cứu, xây dựng một số định hướng giảm nghèo cho giai đoạn 2016-2020 như sau:
1. Tổ chức rà soát, sắp xếp lại hệ thống chính sách giảm nghèo theo hướng gọn đầu mối, theo chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành để tập trung nguồn lực, hạn chế sự chồng chéo giữa các chính sách; giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ cho vay, có điều kiện, có thời gian để khắc phục tình trạng không muốn thoát nghèo;
Mặt khác, trên cơ sở triển khai Luật Đầu tư công, Chính phủ chủ trương đổi mới công tác lập và giao kế hoạch chuyển từ hàng năm sang trung hạn (5 năm) nhằm tạo điều kiện cho các địa phương chủ động bố trí, sắp xếp các nội dung ưu tiên, huy động thêm nguồn lực để thực hiện, và cũng là cơ sở để thực hiện cơ chế phân cấp, trao quyền cho cơ sở, cộng đồng và người dân. Các chính sách giảm nghèo thời gian tới được xác định theo hướng phân loại chính sách tác động đến từng nhóm đối tượng cụ thể:
- Chính sách hỗ trợ cá nhân người nghèo, cận nghèo: như chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giáo dục đào tạo...;
- Chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo: như chính sách hỗ trợ nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đất sản xuất…
- Chính sách hỗ trợ cộng đồng: như chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu thôn bản, hỗ trợ sinh kế dựa vào cộng đồng…
2. Đổi mới phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều dựa vào thu nhập sang đa chiều.
Trong những năm trước đây, nghèo đói thường được đo lường thông qua thu nhập. Chuẩn nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được qui ra bằng tiền. Người nghèo hay hộ nghèo là những đối tượng có mức thu nhập thấp hơn chuẩn nghèo; Đây là phương pháp đo lường nghèo được nhiều nước trên thế giới áp dụng thời gian qua, trong đó có cả nước ta; tuy nhiên phương pháp này chỉ phù hợp trong giai đoạn đầu khi giải quyết vấn đề nghèo lương thực, khi đời sống ngươi nghèo được cải thiện, nâng lên, nhu cầu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đòi hỏi cần được xem xét, giải quyết.
Hiện nay, một số nước trên thế giới (như Mexico, Colombia, Braxin, Costa Rica, Trung quốc...) đã nghiên cứu chuyển đổi và áp dụng phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều dựa vào thu nhập sang đo lường nghèo đa chiều nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người.
Nghị quyết 15-NQ/TW, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020: đưa ra các nhiệm vụ về đảm bảo an sinh xã hội, chú trọng đến việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đáp ứng các nhu cầu tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và thông tin. Nghị quyết 76 của Quốc hội cũng đã chỉ đạo: xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo, giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngànhnghiên cứu xây dựng Đề án tổng thể về đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói ở Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều, trình Chính phủ xem xét vào cuối năm 2014.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức Quốc tế xây dựng Đề án chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang Đa chiều, sẽ trình Chính phủ xem xét vào đầu năm 2015, trên cơ sở đó, sẽ trình ban hành chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016-2020, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các địa phương để tổ chức tổng điều tra hộ nghèo vào cuối năm 2015.
Dự kiến trong giai đoạn tới, việc điều tra xác định đối tượng được thực hiện vào đầu kỳ (năm 2015), giữa kỳ (năm 2018) và cuối kỳ (năm 2020), không tổ chức điều tra, rà soát hằng năm nh hiện nay, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được ổn định thực hiện chính sách từ 2-3 năm để bảo đảm thoát nghèo bền vững.
3. Xây dựng khung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Theo Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến giai đoạn 2016-2020 chỉ bố trí 02 Chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện Chỉ thị trên, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã đề xuất khung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở bám sát nội dung Luật Đầu tư công và Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ về Định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020
Trước mắt trong năm 2015, cần tổ chức đánh giá tổng kết Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015; tổ chức tốt công tác chuẩn bị về chuyển đối phương pháp tiếp cận đo lường nghèo sang đa chiều; xây dựng các chính sách giảm nghèo phù hợp, hiệu quả hơn; xây dựng khung chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trình Quốc Hội và Chính phủ phê duyệt.
Để mục tiêu giảm nghèo thực sự hiệu quả và bền vững trong giai đoạn tới, ngoài sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, rất cần sự đồng thuân cao của toàn xã hội, trong đó truyền thông là một trong các công cụ hết sức quan trọng để tao được sự đồng thuận này./.
Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo