Theo Hướng dẫn số 1056/LN/LĐTBXH-NNPTNT-TC-KHĐT ngày 18/8/2014 của Liên Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư về tổ chức thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thì trách nhiệm của cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn như sau:
1. Tổ chức đào tạo đảm bảo chất lượng, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về dạy nghề.
2. Khi tiến hành mở lớp, nếu có sự thay đổi về người học, lịch học, thời khóa biểu thì cơ sở dạy nghề phải có văn bản báo cáo đối tác ký kết hợp đồng trong khoảng thời gian 07 ngày làm việc tính từ thời điểm khai giảng lớp học (người vào học sau phải được dạy bù kiến thức bị thiếu) và chỉ được thay đổi khi có văn bản chấp thuận của đối tác ký kết hợp đồng.
3. Tổ chức kiểm tra kết thúc khóa học, tổng hợp đánh giá kết quả học tập (theo mẫu số 09); ban hành Quyết định công nhận tốt nghiệp (hoặc công nhận hoàn thành khóa học) và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề (hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khóa học nghề) (theo mẫu số 10A hoặc 10B).
4. Công khai kế hoạch tổ chức lớp để UBND cấp xã nơi tổ chức lớp học tham gia giám sát các lớp dạy nghề này.
5. Phối hợp với đối tác ký kết hợp đồng, các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập của người lao động sau khi hoàn thành các khóa học nghề này.
6. Phối hợp với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp xã, các doanh nghiệp tuyên truyền và tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động (về nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, khả năng bao tiêu sản phẩm, vốn vay ưu đãi, giới thiệu điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế hộ gia đình...).
7. Sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả. Tổng hợp và lưu giữ hồ sơ, chứng từ thu, chi, thanh toán theo quy định hiện hành, chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của chứng từ đó.
Việc quy định trên bắt buột các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh phải thực hiện thống nhất, nghiêm túc, đảm bảo đạt chất lượng đối với công tác dạy nghề cho người lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nghèo để góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững./.