Theo sự phân công của UBND tỉnh, trong buổi trả lời chất vấn của đồng chí Võ Duy Thông, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại phiên chất vấn trực tiếp sáng ngày 11/12/2014 tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Khóa VIII đối với nội dung liên quan đến thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015 theo Nghị quyế 119/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh Quảng Nam. Theo nội dung chất vấn của Đại biểu HĐND tỉnh thì với số lượng hộ nghèo đăng ký thoát nghèo tăng cao (5.586 hộ) so mục tiêu Nghị quyết 119 (2.500 hộ) thì việc bố trí nguồn kinh phí thực hiện sẽ như thế nào.
Phát biểu của PBT Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp sáng ngày 11/12/2014 Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Khóa VIII
Trả lời nội dung này của đại biểu, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và Xã hội khẳng định Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững được UBND tỉnh trình HĐND khóa VIII ban hành tại Nghị quyết 119/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 là chính sách mới, mang tính đột phát, thử nghiệm ban đầu nhưng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của cán bộ, nhân dân và đa phần hộ nghèo, nhất là các huyện đồng bằng, chính sách này đã giải quyết được các vấn đề cơ bản, thiết thực nhất cho hộ vừa thoát nghèo, đó là y tế, giáo dục và tín dụng, khen thưởng từ đó động viên khích lệ tinh thần, tạo sự công bằng xã hội, tính tự trọng, tự hào cho người thoát nghèo. Vì vậy, số hộ nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững năm 2014 tăng gấp 02 lần so mục tiêu đề ra của Nghị quyết và tập trung nhiều ở các huyện đồng bằng, miền núi thấp, cụ thể: toàn tỉnh có 5.586 hộ đăng ký, trong đó 09 huyện miền núi có 2.551 hộ đăng ký, tăng 1.571 hộ; 09 đồng bằng có 3.035 hộ đăng ký, tăng 1.515 hộ so mục tiêu Nghị quyết.
Việc bố trí kinh phí thực hiện các chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết số 119 thực hiện trên cơ sở nguồn tăng thu năm 2015 ngân sách cấp tỉnh được hưởng tăng so với năm 2014, sau khi dùng 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương theo quy định và bố trí cho các nhiệm vụ chi đầu tư, chi thường xuyên theo định hướng của trung ương, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh dự nguồn để thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, các kế hoạch, đề án của UBND tỉnh mới được ban hành 80 tỷ đồng, trong đó có kinh phí để thực hiện Nghị quyết 119. Việc bố trí kinh phí sẽ thực hiện theo thực tế triển khai Nghị quyết 119.
Khằng định một lần nữa tại kỳ họp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh và Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng đây là quyết tâm lớn của tỉnh, là chính sách đột phá như trước đây Quảng Nam đã làm đối với giao thông nông thôn và việc hộ nghèo đăng ký thoát nhiều nhiều vượt mục tiêu Nghị quyết 119 nhưng đây là chủ trương đã ban hành, phù hợp với nguyện vọng nhân dân, cán bộ nhất là hộ nghèo thoát nghèo bền vững do đó ngân sách tỉnh đảm bảo bố trí đủ để thực hiện, "nếu thiếu có thể vay để chi trả đầy đủ các chế độ cho hộ đăng ký và thoát nghèo bền vững". Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần kiểm soát, thẩm tra chặt chẽ hồ sơ hộ thoát nghèo và quản lý đối tượng chặt chẽ. Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền cấp huyện và xã phải tăng cường trách nhiệm trong việc điều tyra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo, đảm bảo đúng quy trình, xác định chính xác đối tượng và thực hiện theo dõi, quản lý chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện./.