I. MỞ ĐẦU
1. Khái quát chung về tỉnh Quảng Nam
- Quảng Nam nằm trong vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía Nam giáp khu kinh tế Dung Quất, có sân bay, cảng biển, đường xuyên Á nên rất thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội và có tầm quan trọng trong an ninh, quốc phòng. Toàn tỉnh có 02 thành phố và 16 huyện (07 huyện trung du, đồng bằng; 09 huyện miền núi) với 244 đơn vị hành chính cấp xã (213 xã, 18 phường, 13 thị trấn).
- Quảng Nam có tổng diện tích 10.438,37km2, thành phố Tam Kỳ là trung tâm hành chính của tỉnh, thành phố Hội An là thành phố lớn thứ hai là đô thị cổ và 16 huyện lỵ. Do đặc điểm địa hình nghiêng từ Tây sang Đông nên địa thế của tỉnh rất đa dạng, phân chia thành 3 vùng sinh thái khác biệt: (1) các vùng đồng bằng ven biển gồm 08 huyện và thành phố, (2) các vùng trung du bao gồm 04 huyện, (3) khu vực miền núi bao gồm 06 huyện ở phía Tây. Địa hình đồi núi chiếm 72% tổng diện tích đất, còn lại là đồng bằng nhỏ hẹp. Diện tích đất đồi núi chưa sử dụng là 24,54%, đồng bằng là 1,31%. Quảng Nam là tỉnh có diện tích lớn thứ 5 quốc gia và là một trong sáu tỉnh có tỷ lệ phần trăm đất nông nghiệp thấp nhất.
- Khí hậu: Khí hậu Quảng Nam có tính chất nhiệt đới gió mùa, chia thành hai mùa khô và mùa mưa rõ rệt. Mùa khô bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 8, có hiện tượng gió Lào. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12, thường có bão lũ và mưa lớn, chiếm 80% tổng lượng mưa cả năm. Lượng mưa hàng năm tập trung nhiều ở vùng trung du và miền núi (3.200 - 4.000)mm nhiều hơn so với vùng đồng bằng ven biển (2.000 - 2.400)mm.
- Về dân số và nhà ở: Dân số trung bình năm 2013 khoảng 1.460.000 người, mật độ dân số 140 người/km2. Dân tộc Kinh chiếm 92,3% tổng số dân cư, còn lại là các dân tộc ít người (Cơ Tu, Xê Đăng, M’nông, Co và Gié Triêng). Dân số khu vực đô thị khoảng 280.000 người (mật độ bình quân 653 người/km2), dân số nông thôn khoảng 1.180.000 người (mật độ bình quân 113 người/km2). Tổng số nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (tính sơ bộ năm 2013) khoảng 384.400 căn, tương ứng với tổng diện tích khoảng 29.350.200 m2 sàn. Trong đó, nhà chung cư không có, nhà riêng lẻ 384.400 căn; nhà khu vực đô thị là 78.300 căn, tương đương 6.775.900m2 sàn; nhà khu vực nông thôn là 306.100 căn, tương đương 22.574.400m2 sàn.
2. Sự cần thiết lập Đề án
Quảng Nam là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, qua các chương trình đề án hỗ trợ hộ nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Quảng Nam còn khoảng 16%. Vì vậy việc xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng mà các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm.
Các chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở thời gian gần đây như:
- Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện hỗ trợ được 18.014 nhà.
- Chính sách xây nhà phòng tránh lũ lụt theo Quyết định 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành hỗ trợ 100 hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt.
Tuy đã có nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở, nhưng là một tỉnh nằm trong khu vực thường hay xảy ra bão lụt, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên Quảng Nam vẫn còn nhiều gia đình đang phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát, hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo điều kiện sống ổn định cũng như an toàn khi có thiên tai. Vì vậy chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở phòng, tránh bão, lụt là cấp bách và cần thiết hiện nay.
3. Căn cứ lập Đề án
- Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
- Thông tư 16/2014/TT-BXD ngày 23/10/2014 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
- Công văn số 2403/BXD-QLN ngày 29/9/2014 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
- Công văn số 3586/UBND-KTN ngày 05/9/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam về triển khai thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
- Quyết định số 3348/QĐ-UBND ngày 28/10/2014 của UBND tỉnh về giao nhiệm vụ triển khai thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VỀ NHÀ Ở VÀ KHẢ NĂNG ỨNG PHÓ VỚI TÁC ĐỘNG CỦA THIÊN TAI BÃO, LỤT CỦA NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
1. Nhận xét, đánh giá thực trạng nhà ở của các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, số lượng hộ nghèo còn khoảng 55.000 hộ nghèo. Chất lượng nhà ở của các hộ nghèo đa phần bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo điều kiện sống ổn định, nhất là chống chọi trước thiên tai bão lụt.
2. Đánh giá tác động của thiên tai bão, lụt đối với nhà ở và khả năng ứng phó với bão, lụt của nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
a) Tình trạng nhà ở
Nhà ba gian truyền thống và nhà rường có kết cấu là những vật liệu với tuổi thọ ngắn, kém chất lượng, sẵn có tại địa phương; nhà có cấu tạo đơn giản, không có liên kết giằng cho nhà cửa. Kết cấu mái chủ yếu làm bằng vật liệu gỗ đã mục nát, mối mọt nhiều không đảm bảo tính mạng của người sử dụng.
Phần lớn các hộ gia đình có nhà xuống cấp trầm trọng nhưng không có khả năng gia cố, tu sửa hoặc xây dựng lại; đôi khi chỉ gia cố nền móng, tu sửa từng phần khi có kinh phí trông rất tạm bợ.
b) Tác động của thiên tai bão, lụt đối với nhà ở và khả năng ứng phó của nhà ở trên địa bàn tỉnh
Hằng năm, bão đổ bộ vào tàn phá hoa màu, ruộng vườn, nhà cửa; lụt từ 1 - 2 cơn; triều cường, xâm thực mặn, hạn hán, sạt lở đất.
Trải qua các đợt thiên tai, phần lớn nhà ở không đủ khả năng chống chịu với bão, lụt nên rất nguy hiểm cho tính mạng cũng như tài sản của nhân dân.
3. Các chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở ứng phó với bão, lụt do Nhà nước ban hành đang thực hiện tại địa bàn tỉnh và các quy định của tỉnh về việc hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở ứng phó với bão, lụt trên địa bàn tỉnh
a) Nội dung chủ yếu của các chính sách và quy định của tỉnh
Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Quảng Nam thực hiện 02 chính sách dành cho người nghèo: Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và chương trình xây dựng nhà ở ứng phó với bão, lụt theo Quyết định 716/QĐ-TTg.
b) Kết quả hỗ trợ
- Chương trình 167:
+ Tổng số vốn huy động được: 534,048 tỷ đồng;
+ Số lượng nhà ở đã hỗ trợ: 18.014 hộ.
- Chương trình 716:
+ Số lượng nhà ở được hỗ trợ: 100 hộ.
+ Về chất lượng xây dựng: các công trình đạt hiệu quả sử dụng cao.
4. Nhận xét, đánh giá chung về thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở ứng phó với bão, lụt
a) Về ưu điểm
- Tạo sự thống nhất cao trong thực hiện chăm lo hỗ trợ hộ nghèo ổn định chỗ ở, an cư lập nghiệp, vươn lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng được phát huy, dân chủ cơ sở được đẩy mạnh.
- Các chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đã tạo điều kiện cho người nghèo có nhà ở, giúp đồng bào đỡ khó khăn hơn trong cuộc sống.
- Được sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân. Nguồn vốn của Trung ương và nguồn vốn vay Ngân hàng kịp thời.
b) Về các hạn chế, tồn tại; phân tích nguyên nhân và biện pháp khắc phục
- Các hộ gia đình đều xây nhà kết hợp việc phòng tránh lũ, lụt nên giá thành cao; trong khi đó số tiền hỗ trợ của Nhà nước và vốn vay ưu đãi thấp.
- Việc huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp không thực hiện được vì hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.
- Các biện pháp khắc phục nhà ở sau thiên tai bão, lụt chưa hiệu quả. Việc xây dựng nhà ở phòng chống thiên tai bão, lụt ở một số địa phương còn bị xem nhẹ.
* Nguyên nhân:
- Số hộ nghèo phát sinh hằng năm ở địa phương còn nhiều.
- Công tác tuyên truyền, vận động quyên góp ủng hộ quỹ “Ngày vì người nghèo” chưa được các cấp ngành quan tâm đúng mức, đôi khi còn mang tính hình thức.
* Biện pháp khắc phục:
- Rà soát, tổng hợp toàn bộ hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vân động cộng đồng tham gia góp sức để chất lượng căn nhà được tăng lên.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.
III. ĐÁNH GIÁ MÔ HÌNH HUY ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ NGUỒN LỰC CỦA ĐỊA PHƯƠNG TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN HỖ TRỢ HỘ NGHÈO XÂY DỰNG NHÀ Ở PHÒNG TRÁNH BÃO, LỤT
1. Về mô hình huy động nguồn lực
Cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương về công tác xóa đói giảm nghèo nói chung, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở nói riêng, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực tại địa phương để nhằm chung tay góp sức giúp đỡ hộ nghèo vượt qua khó khăn, sớm ổn định chỗ ở, yên tâm sản xuất và đã đạt được một số kết quả nhất định. Song đến nay, việc huy động nguồn lực tại chỗ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng với mục tiêu đề ra, mức huy động chiếm tỷ lệ nhỏ so với số lượng hộ nghèo còn nhiều.
2. Về quản lý nguồn lực địa phương trong quá trình thực hiện hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt
Các chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đều thành lập Ban Chỉ đạo; thông qua Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đến các cấp cơ sở theo đúng kế hoạch. Hằng năm, Ban Chỉ đạo tổng hợp báo cáo trước UBND tỉnh về kết quả đã làm được trong năm, nêu lên những mặt còn hạn chế chưa làm được và đề ra giải pháp, kế hoạch cho năm mới. Định kỳ HĐND tỉnh tổ chức giám sát thực hiện chương trình.
3. Về thực hiện việc quản lý sử dụng, cấp phát, thanh toán nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và vốn vay tín dụng ưu đãi cũng như các nguồn vốn huy động khác
Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn lực huy động khác được cấp về cho các huyện, thành phố quản lý và cấp xuống các xã theo kế hoạch để triển khai thực hiện, đảm bảo đúng đối tượng và cấp phát đến tận hộ nghèo. Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ theo các chương trình, Mặt trận Tổ quốc xã còn đứng ra huy động thêm các nguồn lực khác như nguyên vật liệu hiện có tại địa phương, ngày công, nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân, dòng họ.
4. Về cách thức hỗ trợ
Nguồn vốn hỗ trợ được cấp trực tiếp cho hộ dân, các hộ dân trực tiếp xây dựng, bên cạnh đó còn có sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân tại địa phương như Đoàn Thanh niên ủng hộ ngày công; dòng họ bạn bè ủng hộ tiền, nguyên vật liệu, ngày công, công trình được thực hiện dưới sự giám sát của chính quyền địa phương.
IV. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu, nguyên tắc hỗ trợ
a) Mục tiêu
Hỗ trợ 3.563 hộ nghèo trong vùng thường xuyên bị thiên tai bão, lụt trên địa bàn tỉnh xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt để có chỗ ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
b) Nguyên tắc hỗ trợ
- Hỗ trợ trực tiếp đến hộ gia đình thuộc diện đối tượng theo quy định.
- Việc hỗ trợ phải đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng và minh bạch trên cơ sở pháp luật và chính sách của Nhà nước.
- Hỗ trợ xây dựng nhà ở phải gắn với điều kiện thực tiễn, phong tục tập quán của mỗi dân tộc, vùng, miền; gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.
- Việc hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt theo phương châm: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia để xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng quy định; kết hợp lồng ghép các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Trung ương và địa phương để phát huy hiệu quả của chính sách.
- Sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình phải xây dựng được gian nhà ở hoặc cải tạo, nâng tầng nhà ở hiện có, đảm bảo khả năng phòng, tránh bão, lụt.
2. Đối tượng được hỗ trợ nhà ở phòng tránh bão, lụt
a) Là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, có trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý tại thời điểm quyết định 48/2014/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành (ngày 15/10/2014) và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi quyết định 48/2014/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành tối thiểu 02 năm.
b) Hộ chưa có nhà ở kiên cố hoặc hộ có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mực nước ngập lụt thường xuyên xảy ra tại khu vực nhà ở.
Mức ngập lụt quy định tối thiểu là 1,5m và được xác định tính từ nền nhà đến mực nước ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng. Khu vực có mực nước ngập lụt thường xuyên là khu vực có tần suất ngập lụt tối thiểu là 02 năm liên tiếp hoặc 03 năm ngập lụt không liên tiếp trong vòng 05 năm trở lại đây (mức ngập lụt và khu vực có mực nước ngập lụt thường xuyên do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp cho UBND cấp huyện).
c) Trường hợp hộ gia đình thuộc đối tượng quy định tại điểm a nêu trên đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể nhưng chưa có sàn vượt lũ theo quy định tại điểm b nêu trên thì thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định 48/2014/QĐ-TTg, trừ trường hợp là đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Hộ gia đình cư trú trong vùng bị ảnh hưởng của bão nhưng không bị ngập lụt theo quy định tại điểm b nêu trên thì không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ theo quy định của Quyết định 48/2014/QĐ-TTg.
3. Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở phòng tránh bão, lụt
Đảm bảo sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình phải xây dựng được gian nhà ở phòng tránh bão, lụt hoặc cải tạo, nâng tầng nhà ở hiện có, đảm bảo có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt cao nhất tại vị trí xây dựng; diện tích xây dựng sàn tối thiểu 10m2; các kết cấu chính như móng, khung, sàn, mái tương đương kết cấu của nhà ở xây dựng kiên cố (nhà ở có các thành phần: Móng, cột, tường làm bằng bê tông cốt thép, gạch/đá, sắt/thép/gỗ bền chắc; sàn làm bằng bê tông cốt thép/gỗ bền chắc. Đối với vùng thường xuyên có bão thì mái làm bằng bê tông cốt thép hoặc vật liệu có chất lượng tốt đảm bảo khả năng phòng tránh bão).
4. Phạm vi áp dụng
Là các hộ gia đình được hỗ trợ phải đang cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra bão, lụt thuộc khu vực nông thôn hoặc tại các thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) trực thuộc phường, thị trấn; xã trực thuộc thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Nam.
5. Mức hỗ trợ, mức vay để làm nhà phòng tránh bão, lụt
a) Mức hỗ trợ (từ nguồn vốn ngân sách Trung ương)
Mức hỗ trợ: 12 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng/hộ để xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt.
b) Mức vay để làm nhà ở phòng tránh bão, lụt
Hộ gia đình thuộc diện đối tượng theo quy định của Quyết định này có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện vay vốn theo quy định của Ngân hàng thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt. Lãi suất vay 03%/năm; thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 05 năm. Thời gian trả nợ tối đa là 05 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 20% tổng số vốn đã vay.
c) Dự kiến vốn huy động từ cộng đồng, dòng họ và của chính hộ gia đình được hỗ trợ: 20.000.000 đồng/hộ; vốn huy động từ “Quỹ vì người nghèo” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp vận động từ cộng đồng xã hội và từ các doanh nghiệp: 5.000.000 đồng/hộ.
6. Số lượng hộ nghèo cần hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt
Tổng số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt là 3.563 hộ; cụ thể:
- Hộ gia đình cần xây dựng mới nhà ở: 2.970 hộ, trong đó:
+ Tổng số hộ cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khác: 1.291 hộ;
+ Tổng số hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ: 818 hộ;
+ Tổng số hộ đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ: 861 hộ.
- Hộ gia đình cần cải tạo nhà ở: 593 hộ, trong đó:
Tổng số hộ cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khác: 593 hộ;
7. Phân loại đối tượng ưu tiên
Tổng số hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt là 3.563 hộ. Trong quá trình thực hiện, tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương và kế hoạch vốn phân bổ của Trung ương, địa phương có kế hoạch hỗ trợ trong các năm 2014, năm 2015, năm 2016.
8. Tổng số vốn thực hiện và phân khai nguồn vốn thực hiện
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 190.862.405.000 đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách Trung ương: 47.836.000.000 đồng;
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 53.445.000.000 đồng;
- Dự kiến vốn huy động từ cộng đồng, dòng họ và của chính hộ gia đình được hỗ trợ: 71.260.000.000 đồng;
- Dự kiến vốn huy động từ “Quỹ vì người nghèo” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp vận động từ cộng đồng xã hội và từ các doanh nghiệp: 17.815.000.000 đồng;
- Vốn ngân sách tỉnh (0,5% tổng số vốn ngân sách Trung ương và vốn vay tín dụng ưu đãi): 506.405.000 đồng, trong đó:
+ Sở Xây dựng 0,2% (chi phí lập Đề án, thiết kế mẫu nhà, tổ chức Hội nghị, in ấn tài liệu, kiểm tra, hướng dẫn,…): 202.562.000 đồng;
+ UBND các huyện 0,15% (chi phí quản lý): 151.921.500 đồng (phân bổ đều cho các huyện có các hộ thực hiện chính sách hỗ trợ.
+ UBND các xã 0,15% (chi phí quản lý): 151.921.500 đồng (phân bổ đều cho các xã có các hộ thực hiện chính sách hỗ trợ.
9. Tiến độ thực hiện
Tổ chức thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão,lụt cho hộ nghèo theo Đề án này trong thời gian 03 năm, từ năm 2014 - 2016:
- Năm 2014: Thực hiện hỗ trợ khoảng 20% số đối tượng: 38.172.481.000 đồng.
- Năm 2015: Thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng: 76.334.962.000 đồng.
- Năm 2016: Thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng: 76.334.962.000 đồng.
10. Tiến độ huy động vốn hàng năm
a) Năm 2014
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 38.172.481.000 đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách Trung ương: 9.567.200.000 đồng;
- Vốn ngân sách địa phương: 101.281.000 đồng;
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 10.689.000.000 đồng;
- Vốn hợp pháp khác: 17.815.000.000 đồng.
b) Năm 2015
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 76.334.962.000 đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách Trung ương: 19.134.400.000 đồng;
- Vốn ngân sách địa phương: 202.562.000 đồng;
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 21.378.000.000 đồng;
- Vốn hợp pháp khác: 35.630.000.000 đồng.
c) Năm 2016
Tổng số vốn cần có để thực hiện: 76.334.962.000 đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách Trung ương: 19.134.400.000 đồng;
- Vốn ngân sách địa phương: 202.562.000 đồng;
- Vốn vay tín dụng ưu đãi: 21.378.000.000 đồng;
- Vốn hợp pháp khác: 35.630.000.000 đồng.
11. Cách thức thực hiện
a) Bình xét và phê duyệt danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ
Thực hiện theo Thông tư số 16/2014/TT-BXD ngày 23/10/2014 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 920/SXD-QLHT ngày 05/11/2014 của Sở Xây dựng về hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
b) Cấp vốn xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt
- Căn cứ số vốn được phân bổ từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, UBND tỉnh phân bổ vốn cho UBND cấp huyện, đồng thời gửi danh sách hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện cho vay.
- Căn cứ số vốn được UBND tỉnh phân bổ, UBND cấp huyện phân bổ vốn cho UBND cấp xã.
- Đối với vốn vay, hộ gia đình thực hiện thủ tục, quy trình vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
- Đối với vốn huy động từ “Quỹ vì người nghèo” và các đóng góp tự nguyện khác trên địa bàn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với UBND cùng cấp hỗ trợ cho các hộ thuộc diện đối tượng.
- Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
c) Thực hiện xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt
Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng theo quy định tại Đề án này và vận động các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng. Đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, tàn tật, neo đơn,…) không thể tự xây dựng được thì UBND cấp xã chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của địa phương tổ chức xây dựng cho các đối tượng này.
12. Tổ chức thực hiện
a) Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản tỉnh về tình hình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh; giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền hoặc trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
- Thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở phòng, tránh bão, lụt điển hình và giới thiệu rộng rãi cho nhân dân biết, áp dụng.
b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thẩm định, phê duyệt danh sách hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn theo đúng đối tượng, điều kiện quy định tại Quyết định 48.
c) Sở Tài Chính
Chủ trì tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí quản lý triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các địa phương thực hiện cấp phát, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ thực hiện theo quy định.
d) Sở Kế hoạch Đầu tư
Chủ trì tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh.
e) Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Quảng Nam
Thực hiện xây dựng kế hoạch tín dụng, cho vay, thu hồi nợ vay theo quy định của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp huyện phối hợp với chính quyền địa phương và các Hội, đoàn thể nhận ủy thác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn quy trình và các thủ tục cho vay đối với chương trình tín dụng chính sách ưu đãi của Đề án này.
f) Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Rà soát, phân vùng bão, lụt có mức ngập lụt từ 1,5m trở lên. Phối hợp, cung cấp thông tin vùng bão, lụt cho UBND các huyện, thành phố rà soát danh sách các hộ nghèo vùng bão, lụt có mức ngập lụt từ 1,5m trở lên.
g) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động các Hội, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh.
h) Tỉnh Đoàn Quảng Nam
Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách; tham gia vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng ủng hộ bằng tiền, vật liệu xây dựng hoặc ngày công lao động để giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt. Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tham gia xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt cho các hộ nghèo; phối hợp với UBND cấp xã tổ chức xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật,...).
i) Các Sở, Ban, ngành có liên quan
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu và hiệu quả chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt trên địa bàn tỉnh.
j) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Lập kế hoạch vốn thực hiện chính sách (bao gồm tất cả các nguồn vốn), báo cáo tiến độ thực hiện, kết quả giải ngân hàng năm gửi về Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh để làm căn cứ tổng hợp kế hoạch vốn và vốn vay.
- Thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo để kiểm tra, đôn đốc, xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo tiến độ chương trình. Kiểm tra, giám sát tránh xảy ra tình trạng thất thoát, tiêu cực và đảm bảo đúng đối tượng.
- Phê duyệt danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà ở phòng tránh bão, lụt; gửi Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay làm cơ sở để thực hiện cho vay vốn.
k) Ủy ban nhân dân cấp xã
- Thành lập hoặc kiện toàn Ban giảm nghèo cấp xã để triển khai thực hiện chương trình.
- Tổ chức nghiệm thu xác định khối lượng xây dựng hoàn thành phần móng đối với những hộ gia đình xây dựng mới hoặc hoàn thành 30% khối lượng công việc xây dựng sàn vượt mức ngập lụt đối với những hộ gia đình thực hiện cải tạo, nâng tầng nhà ở đã có và xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng để làm cơ sở giải ngân và thanh toán vốn hỗ trợ và vốn vay theo quy định. Mỗi loại biên bản lập 03 bản: 01 bản chủ hộ giữ, 01 bản gửi phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện, 01 bản UBND cấp xã tổng hợp gửi Ngân hàng Chính sách Xã hội để giải ngân vốn vay.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng theo quy định và vận động các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng. Đối với hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật,...) không thể tự xây dựng được thì UBND cấp xã chỉ đạo Đoàn Thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh của địa phương tổ chức xây dựng nhà ở cho các đối tượng này.
- Lập hồ sơ hoàn công cho từng hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt, bao gồm:
+ Trích danh sách có tên hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt.
+ Đơn đăng ký hỗ trợ xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt của hộ gia đình.
+ Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt hoàn thành theo giai đoạn và biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt đưa vào sử dụng.
+ Các chứng từ giải ngân nguồn vốn xây dựng.
+ Các chứng từ vay vốn để làm nhà ở (nếu có)./.