Chi tiết tin

A+ | A | A-

KỸ THUẬT CHĂN NUÔI, CHĂM SÓC VÀ PHÒNG BỆNH CHO BÒ SINH SẢN

Ngày đăng: 10:11 | 15/12/2023 Lượt xem: 780

Sáng nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cái sinh sản tại xã Trà Giác huyện Bắc Trà My

Kỹ sư: Đỗ Văn Lai – Chi cục chăn nuôi và thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Quản Nam

I. Xây dựng chuồng trại

Chuồng trại chăn nuôi bò phải đảm bảo các yếu tố đông ấm, hè mát, nền chuồng không trơn trượt, diện tích từ 4-5 m2/con; thuận tiện cho việc quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng.

 - Hướng chuồng tốt nhất là hướng Đông hoặc Đông Nam.

 - Chọn vùng đất cao ráo, thoáng mát, không đọng nước, cách xa khu vực sinh sống của con người để xây chuồng. Cần phải có 1 khoảng sân trống để bò vận động.

- Nền chuồng phải khô ráo, có độ dốc hướng về các rãnh thoát nước. Nền có thể làm bằng đất (nện chặt) hoặc xi măng.

 - Hệ thống thoát nước phải hoạt động tốt. Đảm bảo mùa mưa hay khi vệ sinh chuồng không giữ nước lại trên nền hoặc sân.

 - Chuồng có thể xây 01 dãy hoặc 02 dãy. Có thể tận dụng các vật liệu sẵn có như tranh, tre, lá cọ… để làm chuồng nhằm hạ giá thành.

Cần phải xây dựng nhà chứa phân để bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời xử dụng phân để bón cho cây trồng.

II. Giới thiệu một số giống bò chăn nuôi phổ biến hiện nay

1. Bò vàng

Đặc điểm: Lông màu nâu - vàng toàn thân, phía bên trong đùi và yếm có  màu hơi vàng nhạt. Ngoại hình cân đối. Bò cái phía trước thấp, sau cao. Những con đực thì ngược lại. Yếm bò cái kéo dài từ hầu đến vú. Khối lượng sơ sinh: 14-15 kg/con, bò đực trưởng thành: 250-300 kg, bò cái:  150-200 kg/con. Bắt  đầu  phối  giống  lúc  15-18  tháng tuổi

2. Bò Red Sindhi

Đặc điểm: Là giống bò kiêm dụng, có màu nâu đỏ, tai to rủ xuống, u vai phát triển, yếm rộng. Khối lượng trưởng thành: Bò cái 320-350kg-bò đực 370-420kg, năng suất sữa ở bò cái bình quân 1.500-1.600kg trong một chu kỳ vắt sữa 240-270 ngày. Khối lượng bê sơ sinh 20-21kg, tỷ lệ thịt xẻ 50%.

3. Bò Brahman

Đặc điểm: Bò Brahman có tầm vóc to, ngoại hình thể chất chắc chắn, khỏe mạnh. U vai, yếm, nếp da dưới rốn phát triển, tai to và cụp xuống, chân cao, đuôi dài. Bò có màu lông trắng, xám hoặc đỏ. Khối lượng trưởng thành ở bò đực: 800 – 1.200 kg; bò cái: 450 – 650kg. Khối lượng bê sơ sinh 23 – 25kg.

4. Bò BBB

Đặc điểm: Bò đực 3B trưởng thành có khối lượng 1.100 - 1.250 Kg. Bò cái trưởng thành có khối lượng 750 - 800 Kg.Bò có khả năng sản xuất thịt tốt, mức tăng trọng trung bình đạt 1300g / ngày. Tỷ lệ thịt xẻ đạt 70%. Phẩm chất thịt thơm ngon. Bê sơ sinh có khối lượng 45,5 kg. Bê 6-12 tháng tăng trọng bình quân 1.300 gram/ngày. Khi 1 năm tuổi, bê đực nặng 470–490 kg; bê cái 370–380 kg.

III. Kỹ thuật nuôi bò

1. Chọn giống:

Khi chọn bò giống sinh sản bà con cần chú ý những điểm sau:

• Nhìn bộ phận vú của bò, 4 vú phải phát triển đều nhau, da không quá dày, mềm mại, thấy được tĩnh mạch nổi lên.

• Phần khung xương sườn phải nở rộng, phần bụng to vừa phải, lưng thẳng.

• Chân khỏe, trụ vững, móng không được hở.

• Phần mông (khung xương chậu) nở rộng.

• Đầu không quá to, mõm và mũi to, rộng, răng trắng sáng phát triển đồng đều.

• Cổ thanh mảnh, nhiều nếp nhăn.

• Nhìn nhanh nhẹn, khỏe mạnh, nhìn lành tính, cơ thể phát triển cân đối, lớp lông trên da không quá rậm.

2. Chăm sóc nuôi dưỡng

2.1. Chế độ ăn cho bò

Để cho bò phát triển khỏe mạnh và năng suất nhất cần phải đảm bảo nguồn năng lượng cao được ăn vào hàng ngày. Ví dụ như nếu trọng lượng cơ thể bò là 200kg thì cần phải cung cấp khoảng 2-3kg thức ăn tinh trong một ngày, còn với thức ăn thô xanh khoản 15-20 kg.

- Thức ăn thô xanh: Gồm các loại cỏ băm nhỏ, thức ăn băm nhỏ ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp băm nhỏ, phụ phẩm công nghiệp ( bã bia, rượu, rỉ mật, bã mía, bã đậu, vỏ hoa quả…)

- Thức ăn tinh gồm: Các loại sắn, ngô (bắp) nghiền, khô dầu lạc, cám gạo…

- Phải cung cấp lượng nước sạch đầy đủ cho bò uống mỗi ngày, tùy vào nhiệt độ môi trường bên ngoài mà nhu cầu về nước uống của bò cũng thay đổi theo. Thông thường, một con bò trưởng thành cần từ 40 – 50 lít nước/ngày.

2.2. Cách phát hiện bò động dục và phối giống

- Tuổi phối giống lần đầu của bò mẹ là khi bò nuôi đạt từ 18 tháng trở lên, trọng lượng từ 170 kg trở lên.

- Biểu hiện động dục: bò biếng ăn, phần âm hộ chuyển sang màu hồng đỏ, hay kêu rống (nhất là về ban đêm), nhảy chồm lên những con khác. Trên bãi chăn có nhiều bò đực bám theo nhưng chưa chịu đực và không cho nhảy lên.

- Phối giống: Trong vòng từ 12 đến 18 giờ khi bò có biểu hiện động dục là thời điểm phối giống đạt hiệu quả nhất, lúc nầy bò đứng yên và chịu cho con khác nhảy lên.

* Ghi chú: Khi bò cái đã mang thai, cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất mỗi ngày, cho bò nghỉ ngơi, không kéo nặng hay cày bừa.

2.3. Vệ sinh phòng ngừa bệnh

- Vệ sinh phòng bệnh: Thực hiện phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chuồng trại, máng uống, máng ăn, môi trường xung quanh phải luôn được sạch sẽ. Tẩy uế chuồng trại định kỳ, khu vực xung quanh chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh, phát quang bờ bụi, thu gom xử lý chất thải. Tích cực diệt chuột, ruồi muỗi, gián, ve, hạn chế tối đa các động vật trung gian truyền bệnh vào khu vực chăn nuôi bò.  

- Thực hiện tốt lịch tiêm phòng, giúp bò chống lại các loại bệnh phổ biến như tụ huyết trùng, lở mồm long móng,… Bên cạnh đó, bà con cần tẩy giun cho bò thường xuyên bằng cách sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như thuốc tẩy giun Levamisole; thuốc tẩy sán DextilB…

IV. Một số bệnh thường gặp trên bò

1. Bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò

a. Nguyên nhân gây bệnh: 

Bệnh Tụ huyết trùng ở trâu bò do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra, thể hiện đặc trưng là tụ và xuất huyết ở các vùng đặc biệt trên cơ thể. Vi khuẩn vào máu gây nhiễm trùng máu, thể nặng gọi là bại xuất huyết trâu bò.

Vi khuẩn có sức đề kháng không cao cho nên vi khuẩn không tồn tại lâu ngoài cơ thể trâu bò; trong đất ẩm và thiếu ánh sáng, đầm lầy, ao bẩn có nhiều chất hữu cơ, trong chuồng trại thường tồn tại 1-3 tháng. 

Vi khuẩn tụ huyết trùng dễ bị diệt bằng nước nóng 58 0C trong 20 phút, ánh sáng mặt trời trong 12 giờ, nước vôi 10%, formol 1%, axit fenic 5% đều diệt được trong thời gian 1-3 phút. Các chất sát trùng thông thường cũng dễ tiêu diệt được vi khuẩn. 

Nguồn gây bệnh chính là các trâu bò mang trùng. Vi khuẩn ký sinh ở niêm mạc mũi, hầu và tuyến hạnh nhân. Trên đàn gia súc đã từng xảy ra bệnh, có đến hơn 40% trâu bò khoẻ mạnh vẫn mang trùng.

b. Triệu chứng và bệnh tích:

Bệnh có 03 thể:

- Thể quá cấp tính hay còn gọi thể bại huyết hoặc thể ác tính.

- Thể cấp tính.

- Thể mãn tính.

Thể quá cấp tính: Trâu bò bị thể bệnh này có biểu hiện đột nhiên bò sốt cao, run rẩy, có triệu chứng thần kinh như hung dữ, điên cuồng, đập đầu vào chuồng, chết nhanh trong 24 giờ. Thường rất ít triệu chứng lâm sàng.

Thể cấp tính: Bệnh thường ở thể cấp tính đối với trâu bò, thời gian nung bệnh chỉ 1-3 ngày, thể hiện không nhai lại, mệt nhọc, sốt cao đột ngột 40-41 0C; nước mắt, mũi chảy liên tục; niêm mạc mắt, mồm, mũi, tổ chức dưới da có tụ huyết đỏ sẫm; tối xám, hạch lâm ba sưng, nhất là ở hầu sưng rất to do vậy trâu, bò bị bệnh thường lè lưỡi ra, thở khó, thường gọi là "bệnh trâu bò hai lưỡi". Hạch lâm ba vai, đùi sưng, thủy thũng nên gia súc bệnh đi lại khó khăn.

Trâu, bò bị bệnh ở thể phổi thì thở mạnh và khó do màng phổi viêm, tràn dịch, tụ huyết, viêm phổi cấp. Một số trâu bò bị thể đường ruột thì chùm hạch ruột to có xuất huyết, niêm mạc ruột tụ, xuất huyết nặng, tróc ra, ỉa chảy dữ dội, phân lẫn máu.

Lúc gần chết, trâu bò bệnh nằm liệt, đái ra máu, thở rất khó, xuất huyết ở các niêm mạc. 

Diễn biến bệnh trong 3 đến 5 ngày, tỷ lệ chết đến 90-100%, nếu nhiễm trùng máu chết nhanh hơn trong 1-1,5 ngày.

Thể mãn tính: Nếu gia súc bệnh không chết sẽ chuyển ra mãn tính, với các biểu hiện: viêm ruột làm gia súc lúc ỉa chảy, lúc táo bón . Viêm khớp dẫn đến gia súc đi lại khập khiễng, khó khăn. Viêm phế quản và phổi mãn tính (ho kéo dài). Trong vài tuần, gia súc có thể khỏi bệnh nhưng thường gầy rạc.

c. Phòng và trị bệnh:

- Phòng bệnh:

+ Thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh như vệ sinh ăn uống, chăm sóc, sử dụng hợp lý, thường xuyên tiêu độc chuồng trại, không để gia súc ở lầy lội, ẩm ướt… 

+ Tiêm phòng: Biện pháp có hiệu quả nhất trong kiểm soát bệnh là tiêm vaccine hàng năm (6 tháng một lần) cho các đàn gia súc, để gia súc có miễn dịch chủ động chống lại mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể gia súc gây bệnh.

- Trị bệnh:  Sử dụng một số kháng sinh như: Streptomycine, Gentamycine, Ampicilline, Tetracycline; Enrofloxacine; Thiamfenicol… để điều trị. Ngoài ra còn bổ sung thêm Vitamin và thuốc hạ sốt, liệu trình điều trị 3-5 ngày. Đồng thời phải tăng cường quản lý, chăm sóc và bồi dưỡng tốt cho gia súc bệnh.

2. Bệnh lở mồm long móng

a. Nguyên nhân

Bệnh lở mồm, long móng gia súc (LMLM) là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh, gây ra bởi 1 trong 7 type vi rút: Type A, O, C, Asia1, SAT1, SAT2, SAT3, với gần 70 phân type.

Ở Việt Nam đã phát hiện bệnh gây ra bởi 3 type A, O và Asia1. Bệnh LMLM lây lan qua đường tiếp xúc giữa động vật khoẻ với động vật bệnh, sản phẩm động vật, thức ăn, nước uống, không khí, chất thải, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, có mang mầm bệnh. Bệnh lây lan từ vùng này sang vùng khác, tỉnh này sang tỉnh khác, nước này sang nước khác theo đường vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ở dạng tươi sống (kể cả thịt ướp đông, da, xương, sừng, móng, sữa, lông,… ). Động vật mắc bệnh LMLM là các loài động vật có móng guốc chẵn như: trâu, bò, lợn, dê, cừu, hưu, nai,…

b. Triệu chứng

- Thời gian ủ bệnh từ 2 – 7 ngày. Trâu, bò bệnh có triệu chứng: Sốt cao 41 – 42 độ C trong 2 – 3 ngày, chảy nước mắt nước mũi khi sốt; Nước rãi trắng như bọt xà phòng, chảy liên tục thành sợi từ miệng xuống đất; Niêm mạc mũi, miệng, lợi răng, trên mặt lưỡi mọc các đám mụn đỏ, sau mọng nước, trắng ra và vỡ loét, để lại các vết sẹo nhiều màu: đỏ, vàng, xám… làm cho súc vật bị bệnh đau đớn, khó ăn uống. Quanh các móng chân súc vật cũng mọc mụn loét giống ở miệng, vỡ loét ra, có thể bị nhiễm trùng và bong móng chân làm cho súc vật đi lại rất khó khăn và chỉ nằm một chỗ.

- Một số trường hợp trâu, bò bệnh có biến chứng viêm ruột, ỉa chảy, phân có máu và chết nhanh.

- Súc vật non có thể có biến chứng viêm cơ tim cũng chết rất nhanh.

- Trâu, bò cái bị bệnh thường có mụn loét ở núm vú, bầu vú giống như ở miệng.

- Trâu, bò cái mang thai khi bị bệnh thường sẩy thai.

 Trâu, bò trưởng thành bị bệnh chết với tỷ lệ 3 – 5%. Bê, nghé non bị bệnh chết với tỷ lệ cao hơn.

c. Phòng bệnh

- Sử dụng vắc xin phòng bệnh LMLM tiêm cho đàn trâu bò theo định kỳ 2 lần/năm, mũi đầu cách mũi thứ 2 từ 4 – 6 tháng.

- Thực hiện vệ sinh chuồng trại hàng ngày và phun thuốc sát trùng theo định kỳ 2 tuần/lần.

- Nuôi dưỡng chăm sóc tốt đàn trâu bò để nâng cao sức đề kháng với bệnh, đảm bảo khẩu phần ăn đủ chất dinh dưỡng và đủ nguồn nước sạch cho trâu bò.

- Báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương để được hướng dẫn các biện pháp xử lý thích hợp.

d. Điều trị

Đến nay, bệnh LMLM chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu, chỉ có thuốc chữa triệu chứng. Chữa triệu chứng nhằm làm cho vết thương nhanh chóng lành thành sẹo và không gây ra các biến chứng nguy hiểm làm chết gia súc. Bà con có thể dùng trái chanh, khế hoặc nước muối ấm để rửa các mụn loét và sử dụng kháng sinh, kháng viêm, giảm đau để tiêm phòng bệnh kế phát. Tiêm liên tục từ 3- 5 ngày.

3. Bệnh Viêm da nổi cục

a. Giới thiệu

Bệnh viêm da nổi cục (tên Tiếng Anh là Lumpy Skin Disease) là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra trên trâu, bò. Vi rút thuộc họ Poxviridae, giống Capripoxvirus, cùng chi với vi rút gây bệnh Đậu trên dê, cừu. Bệnh được phát hiện và mô tả lần đầu tại Cộng hòa Zambia (Châu Phi) vào năm 1929, sau đó bệnh đã lây lan và lưu hành ở hầu khắp thế giới. Bệnh được phát hiện đầu tiên ở nước ta vào cuối tháng 10/2020 tại xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Ở tỉnh ta bệnh xuất hiện đầu tiên vào tháng 3 năm 2021 tại thị xã Điện Bàn.

Bệnh viêm da nổi cục gây nhiều thiệt hại kinh tế cho chăn nuôi trâu, bò.

b. Đặc điểm của vi rút gây bệnh

Vi rút nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và các chất tẩy rửa có chứa dung môi lipid, nhưng trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt, ví dụ như chuồng trại bị ô nhiễm, có thể tồn tại trong nhiều tháng. Vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 55 0C trong 2 giờ, 65 0C trong 30 phút. Vi rút nhạy cảm với môi trường có pH kiềm (> 8,6) hoặc a xít ( < 6,6); có thể tồn tại trong môi trường pH từ 6,6 – 8,6 và ở nhiệt độ 37 0C trong 5 ngày. Vi rút này rất ổn định, tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đặc biệt là ở dạng vảy khô; tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô.

Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; bệnh cũng có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp, thức ăn và nước uống bị nhiễm, do vận chuyển trâu, tinh dịch, dụng cụ chăn nuôi, sử dụng chung kim tiêm, giao phối, gieo tinh. Vi rút cũng có thể được truyền qua sữa hoặc từ núm vú có bệnh tích.

c. Triệu chứng, bệnh tích

Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể xảy ra ở trâu, bò mọi lứa tuổi. Thời gian ủ bệnh trong phòng thí nghiệm trung bình khoảng 4 – 14 ngày, trong tự nhiên có thể lên đến 5 tuần. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 2 – 45% và tỷ lệ chết khoảng 1 – 5% (dưới 10%). Sau thời gian ủ bệnh, những triệu chứng đầu tiên xuất hiện trên trâu, bò bệnh thường là: chảy nhiều nước mắt và nước mũi; hạch trước vai và trước đùi sưng to và dễ sờ; sốt cao trên 40,5 độ, có thể kéo dài 1 tuần; giảm sữa rõ rệt; bỏ ăn. Sau đó, xuất hiện các triệu chứng rất đặc trưng như: các nốt trên da có đường kính từ 10 – 50 mm; số lượng thay đổi từ vài nốt (trường hợp nhẹ) đến rất nhiều (bị nặng); vị trí thường bị là đầu, cổ, vùng sau mông, cơ quan sinh dục, vú, chân; độ sâu của nốt có thể ở da, mô dưới da và thỉnh thoảng dưới cơ; nốt ở mũi, miệng bị lở sẽ có mủ và tiết nhiều nước bọt chứa nhiều vi rút; nốt ở da có thể tồn tại vài tháng; những nốt này có thể hoại tử và loét. Thỉnh thoảng trâu bò bệnh có biểu hiện viêm phổi, có thể do vi rút viêm da nổi cục gây ra hoặc do phụ nhiễm. Viêm vú cũng có thể xảy ra. Thú bệnh nặng bị suy nhược, có thể kéo dài đến 3 hoặc 6 tháng.

d. Phòng và trị bệnh

Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm rất mới ở nước ta, lây lan rất nhanh. Nên khi phát hiện trâu, bò có dấu hiệu bệnh, người chăn nuôi nên báo ngay với cơ quan thú y ở địa phương để có hướng xử lý phù hợp. Những trường hợp bệnh nặng và nhiều con nhiễm có thể phải tiêu hủy.

Đối với những hộ chăn nuôi có trâu, bò bị bệnh ít và nhẹ, có thể điều trị. Tuy nhiên, đây là bệnh do vi rút nên không có thuốc đặc trị, việc điều trị chủ yếu chống phụ nhiễm trùng da và niêm mạc. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau để chống nhiễm trùng: BIO PENI-STREPTO, BIO FLOR-DOXY, BIO GENTA-TYLOSIN…

Chăm sóc các vết loét: các cục nổi trên da có thể bị hoại tử và lở loét, trong trường hợp này dùng thuốc BIODINE thoa trực tiếp lên vết thương, ngày 2 lần cho đến khi lành hoặc có thể dùng BIO-SPRAY xịt thêm vào vết loét, mỗi ngày 2 lần cho đến khi lành và chích thêm các thuốc bổ giúp mau lành vết thương như: BIO-ADE+B.COMPLEX với liều 1 ml/25 kg thể trọng/ngày, tiêm bắp trong 3 – 4 ngày liên tục.

- Bệnh này đã có vắc xin phòng và vắc xin đã được nhập vào nước ta. Tiêm phòng vắc xin là giải pháp ưu tiên số một trong việc bảo vệ đàn bò trước bệnh viêm da nổi cục. Định kỳ tiêm vắc xin mỗi năm 1 lần. Bê, nghé được sinh ra từ mẹ đã tiêm phòng vắc xin có thể được miễn dịch và nên tiêm vắc xin lúc 3 – 6 tháng tuổi. Tỷ lệ bảo hộ sau khi tiêm vắc xin có thể đạt trên 80%.

- Khi mua bò về, bà con nên nhốt riêng ở nơi cách ly khoảng 3 tuần, nếu không có biểu hiện bệnh mới cho nhập chung với đàn.

- Định kỳ sử dụng thuốc trừ ngoại ký sinh để phòng trị ve (dùng BIVERMECTIN 1% với liều 1 ml/40 – 50 kg, tiêm dưới da); thường xuyên diệt ruồi, muỗi để hạn chế nguy cơ, nhất là vào đầu mùa mưa (dùng BIO-DELTOX phun xịt trong và xung quanh chuồng nơi có ruồi, muỗi)./.

Tác giả: Lê Văn Đáng

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên Kết Website