Theo đó, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo ở hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội. Cụ thể: Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 01/10/2012 thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/06/2012 của Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI) về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”; Kết luận số 96-KL/TU, ngày 22/07/2013 về đẩy mạnh công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. HĐND có Nghị quyết số 31/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 119/2014/NQ-HĐND ngày 11/07/2014 về thực hiện chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2014 - 2015; ... Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều đề án, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội để giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời, chỉ đạo các ngành và các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 30/11/2001 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chỉ thị số 56-CT/TU ngày 25/05/2009 của Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết số 30a/NQ-CP, ngày 27/12/2008 của Chính phủ ... Nhờ đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư trên 22.845 tỷ đồng, trong đó khu vực miền núi (09 huyện) được đầu tư 6.920,226 tỷ đồng, chủ yếu là vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương. Nguồn vốn huy động, phân bổ thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 là 7.183,459 tỷ đồng.
Thực hiện các chính sách giảm nghèo, tỉnh đã giải quyết cho 50.342 lượt hộ nghèo vay, doanh số 771,137 tỷ đồng; 10.891 lượt hộ cận nghèo vay, doanh số 262,467 tỷ đồng; 45.942 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay, doanh số 673,658 tỷ đồng; hỗ trợ dạy nghề cho 25.375 lao động nông thôn với kinh phí 32,6 tỷ đồng; ... Thực hiện cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 488.369 học sinh, sinh viên, kinh phí 298,594 tỷ đồng. Cấp 1.764.386 thẻ bảo hiểm y tế người nghèo và cận nghèo, kinh phí 840,341 tỷ đồng, trong đó cấp miễn phí 1.135.671 thẻ bảo hiểm y tế người nghèo, kinh phí 613,523 tỷ đồng. Hỗ trợ xây dựng 10.836 nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, kinh phí 150 tỷ đồng; 100 chòi tránh lũ, kinh phí 01 tỷ đồng; 2.702 nhà Đại đoàn kết từ Quỹ "Ngày vì người nghèo"...
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tỉnh đã đầu tư 876,515 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa 526 công trình kết cấu hạ tầng tại 06 huyện nghèo; hỗ trợ đầu tư 174 công trình tại các xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, cấp 72,982 tỷ đồng để thực hiện các chế độ chính sách đặc thù của Nghị quyết 30a...
Đặc biệt, thông qua cuộc vận động Quỹ "Ngày vì người nghèo" do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức đã huy động và hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở (trên 2.700 nhà), hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, kinh doanh, trợ giúp học bổng cho học sinh, sinh viên; các doanh nghiệp hỗ trợ các huyện, xã nghèo xây dựng trên 20 công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh... với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các đoàn thể nhân dân phát động nhiều phong trào thi đua, nhận đỡ đầu, giúp đỡ hộ nghèo về nhiều mặt và đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả như hỗ trợ phương tiện, công cụ sản xuất, buôn bán nhỏ, trợ giúp học tập, y tế...
Thông qua việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo của Trung ương và của tỉnh đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Từ 24,1% năm 2010 giảm còn 12,10% năm 2014; ước đến cuối năm 2015 giảm còn 9,5%, bình quân mỗi năm giảm 3%, vượt so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Bên cạnh đó, tình hình đời sống của người dân nói chung, của người nghèo, cận nghèo nói riêng cũng đã được cải thiện rõ rệt, nhất là về y tế, giáo dục và nhà ở (100% người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% học sinh, sinh viên nghèo được hỗ trợ chi phí học tập, cấp bù học phí, trẻ em 3, 4, 5 tuổi được hỗ trợ tiền ăn trưa; ...).
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế:
Tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhanh, nhưng vẫn còn cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Các huyện nghèo, miền núi tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhiều, nhưng số lượng hộ nghèo giảm không nhiều (miền núi giảm 1% hộ nghèo, chỉ tương ứng với 571 hộ, nhưng đồng bằng giảm 1% hộ nghèo lại tương ứng đến 2.934 hộ). Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững (tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo tăng), tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi cao hơn đồng bằng 8 lần; số lượng xã nghèo, huyện nghèo không giảm mà tăng so năm 2010.
Việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo ở một số địa phương, ngành chưa tập trung. Công tác lập kế hoạch đầu tư xây dựng công trình đối với các dự án giảm nghèo còn hạn chế, thiếu chủ động, thiếu tập trung, nguồn vốn phân bổ dàn trải. Công tác điều tra xác định hộ nghèo, cận nghèo còn sai sót, chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều tra, có nơi có biểu hiện đối phó, chưa phân loại hộ nghèo theo nguyên nhân nghèo...
Một số chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo đầu tư chưa hiệu quả, việc hỗ trợ còn mang tính bình quân; bố trí nguồn lực chưa hợp lý, lồng ghép giữa chương trình, dự án giảm nghèo với các chương trình, dự án khác chưa gắn kết, đồng bộ.
Việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo trực tiếp đã làm mất đi động lực phấn đấu, tạo nên tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo trong một bộ phận hộ nghèo, không mạnh dạn vay vốn ưu đãi của nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình người nghèo.
Để đạt được mục tiêu mỗi năm giảm từ 2 - 2,5% hộ nghèo, từ 1,5 - 2% hộ cận nghèo, từ nay đến năm 2020, Quảng Nam cần tập trung vào các giải pháp chính sau đây:
Một là, triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ và có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương về giảm nghèo, nhất là thực hiện tốt phương pháp tiếp cận nghòe đa chiều, nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của hộ nghèo theo từng nguyên nhân nghèo, như: thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, phương tiện sản xuất, kinh doanh, chưa có nghề... Trước mắt, nghiên cứu giải pháp hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và các vấn đề an sinh xã hội cho hộ nghèo phù hợp với từng vùng, khu vực và từng nhóm dân cư. Trong thực hiện các nội dung hỗ trợ, phải thực hiện đúng quy định, không thực hiện chia bình quân, nhất là địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số để đảm bảo giải quyết đúng đối tượng, tạo điều kiện cho hộ nghèo có cơ hội thoát nghèo bền vững.
Hai là, thực hiện phân loại hộ nghèo để theo dõi, quản lý các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, cụ thể thực hiện phân loại theo hai nhóm sau: Nhóm hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội và nhóm hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo.
Đối với nhóm hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội: Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội như trợ cấp xã hội hằng tháng, nhà ở, y tế và dinh dưỡng, nước sinh hoạt, thông tin... để đảm bảo đạt mức sống tối thiểu so với cộng đồng dân cư trong khu vực.
Đối với nhóm hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo: Rà soát, phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân nghèo và theo từng địa bàn (thôn, khối phố, tổ dân phố) để xây dựng kế hoạch giảm nghèo bền vững theo địa chỉ và nguyên nhân nghèo. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể nhân dân, cho cán bộ, đảng viên theo dõi, phụ trách hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho từng hộ hoặc từng nhóm hộ nghèo; vận động, thuyết phục hộ nghèo khắc phục khó khăn, mạnh dạn đăng ký học nghề, vay vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tham gia đi xuất khẩu lao động…
Ba là, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện công tác giảm nghèo, chú trọng huy động đóng góp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ưu tiên bố trí ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các vùng khó khăn, khu vực miền núi; bố trí vốn từ nguồn ngân sách tỉnh cho các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của tỉnh đã ban hành theo các Nghị quyết, Quyết định và vốn đối ứng thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo theo quy định của Trung ương. Tiếp tục vận động nhiều nguồn lực để phục vụ công tác giảm nghèo như vận động Quỹ"Ngày vì người nghèo", vân động các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp có tiềm lực để nhận đỡ đầu hỗ trợ các địa phương nghèo. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nghĩa với các xã nghèo, thôn nghèo để hỗ trợ cho hộ nghèo và thôn nghèo, xã nghèo và huyện nghèo. Thực hiện tốt công tác giao kế hoạch vốn từ đầu năm cho các ngành, đơn vị và địa phương để chủ động tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo.
Bốn là, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo về y tế, giáo dục theo Nghị quyết số 31/2011/NQ-HĐND ngày 09/12/2011 của HĐND tỉnh thông qua việc duy trì chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, mở rộng đối tượng và nâng mức hỗ trợ đối với chính sách giáo dục (mở rộng đối tượng học sinh, sinh viên ngoài công lập; nâng mức hỗ trợ cấp bù học phí lên 100%).
Tiếp tục thực hiện Chính sách khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết số 119/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh trên cơ sở làm tốt công tác điều tra xác định hộ nghèo, hộ thoát nghèo bền vững và công tác tuyên truyền vận động, thuyết phục để hộ nghèo thuộc diện chính sách giảm nghèo tự nguyện đăng ký tham gia và tự lực, khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đối với miền núi, tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đặc thù cho miền núi, vùng dân tộc thiểu số như Chương trình 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới...; trong đó, nâng mức cân đối từ nguồn tăng thu, vượt thu ngân sách Nhà nước, nguồn thu cấp quyền sử dụng đất và các nguồn vốn khác trên địa bàn tỉnh lên trên mực 15 tỷ đồng/huyện/năm để hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho các huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao chưa được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Năm là, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo điều hành các chính sách giảm nghèo một cách tập trung nhất; Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững ở mỗi cấp có Quy chế và được bố trí kinh phí từ ngân sách để hoạt động; phân công trách nhiệm và địa bàn theo dõi, giám sát, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác giảm nghèo ở địa bàn được phân công.
Thực hiện xây dựng bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác giảm nghèo từ tỉnh đến xã theo hướng mỗi xã có thể bố trí 01 cán bộ theo dõi chuyên trách công tác giảm nghèo, làm việc theo chế độ hợp đồng lao động có thời hạn; ở huyện, tùy theo điều kiện về biên chế, ngân sách địa phương, bổ sung biên chế cho phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cho phép hợp đồng thêm lao động để theo dõi công tác giảm nghèo; ở tỉnh, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Văn phòng giảm nghèo, quy định chức năng, nhiệm vụ, kinh phí hoạt động nhằm đảm bảo hiệu quả thiết thực.
Thường xuyên chú trọng công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các chính sách giảm nghèo; đồng thời làm tốt công tác sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra mục tiêu, giảm pháp sát đúng, để tổ chức thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh./.