Chi tiết tin

A+ | A | A-

Còn khó khăn trong giảm nghèo ở Quảng Nam

Ngày đăng: 11:20 | 27/10/2014 Lượt xem: 907

Tuy tốc độ giảm nghèo hằng năm đạt hơn 4%/năm tại các huyện 30a nhưng tỉnh Quảng Nam nhìn nhận chưa có sự đột phá trong cách làm và tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong công tác này.



Cứu trợ lương thực cho đồng bào huyện Tây Giang, một huyện 30a của Quảng Nam. Ảnh: VGP/Mai Vy

Ngày 23/9, Đoàn kiểm tra Trung ương đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Trong 5 năm qua (2008-2013), tỉnh Quảng Nam được Trung ương đầu tư giảm nghèo trên địa bàn các huyện nghèo là hơn 1.550 tỷ đồng, trong đó có 3 huyện 30a gồm Phước Sơn, Nam Trà My, Tây Giang được đầu tư nguồn vốn hơn 598,5 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn này, người dân đã được hỗ trợ sản xuất theo phương pháp giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng hơn 37.000ha; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; khai hoang, phục hóa được 57ha, chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi.

Tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ 693 lao động tại các huyện 30a được sang làm việc ở Malaysia và Hàn Quốc; đầu tư xây dựng 523 công trình; hỗ trợ 752 tấn lương thực cho người dân vùng khó khăn, giúp 3.600 hộ xây dựng, sửa chữa nhà cửa.

Quảng Nam còn có nhiều chương trình khác đầu tư cho công cuộc giảm nghèo như chính sách cấp thẻ BHYT, hỗ trợ kinh phí học tập cho con em hộ nghèo, hỗ trợ lãi suất vay vốn, phụ cấp cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, bố trí mỗi năm 15 tỷ đồng giúp các huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% nhưng chưa được hưởng cơ chế 30a…

Công tác giảm nghèo ở Quảng Nam còn nhiều khó khăn, tồn tại do một số cơ chế của Nghị quyết 30a chậm điều chỉnh, không còn phù hợp; nguồn kinh phí Trung ương phân bổ còn chậm và không đủ nhu cầu như Đề án đã được phê duyệt.

Vẫn còn tình trạng người dân có tâm lý muốn nghèo để được hưởng chính sách và một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức đến công tác giảm nghèo.

UBND tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị cần gộp các chính sách giảm nghèo nhằm tránh phân tán nguồn lực, không có hiệu quả; bố trí nguồn lực đủ và kịp thời; phân công, vận động DN hỗ trợ tỉnh trong công cuộc giảm nghèo; sớm có hướng dẫn sử dụng nguồn vốn sự nghiệp duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư ở huyện nghèo; quan tâm hơn đến đầu tư chính sách giáo dục, y tế ở miền núi…

Tác giả: Mai Vy

Nguồn tin: http://baodientu.chinhphu.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên Kết Website