Kết quả đạt được
Cùng với cả nước thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo, những năm, tỉnh đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tập trung đầu tư cho Chương trình và đạt được những kết quả quan trọng:
Các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra: Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,65% (năm 2006) xuống 19,64% năm 2009, bình quân giảm 2,34%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã nghèo đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn II giảm từ 65,95% (năm 2006) xuống 60,2% (năm 2009); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển thuộc Chương trình 257 giảm từ 30,84% (năm 2006) xuống 21,01% (năm 2009), bình quân giảm 3,28 %/năm; số xã nghèo giảm từ 140 xã (cuối năm 2006) xuống 109 xã (cuối năm 2009), bình quân mỗi năm giảm 11 xã.
Chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề và cơ sở hạ tầng thiết yếu; chính sách tạo cơ hội để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội đã được triển khai tích cực; đến nay, đã có 87.623 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi với kinh phí gần 1.187 tỷ đồng (dự kiến năm 2010 toàn tỉnh sẽ có khoảng 109.623 lượt hộ với số tiền cho vay trên 1.537 tỷ đồng). Nhìn chung, số vốn vay được hộ nghèo sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả; 727 lượt hộ nghèo được hướng dẫn cách làm ăn thông qua các hình thức tập huấn, hội nghị đầu bờ về chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất; 731 hộ nghèo (trong đó, có 210 hộ là người dân tộc thiểu số) được hỗ trợ điều kiện sản xuất thông qua các mô hình chăn nuôi, trồng trọt với kinh phí 4,2 tỷ đồng; 842 hộ được hướng dẫn cách làm ăn và 771 hộ được hỗ trợ các điều kiện sản xuất; 81 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh (giao thông, trường học, trạm y tế, công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt, chợ xã..) được đầu tư xây dựng tại các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo với kinh phí hỗ trợ 78,4 tỷ đồng; 1.645 lao động nghèo được đào tạo nghề miễn phí; gần 1,7 lượt triệu người nghèo, người dân tại các xã thuộc Chương trình 135, các xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a-NQ/CP của Chính phủ không thuộc Chương trình 135 được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí với kinh phí 163,27 tỷ đồng; 621,8 ngàn lượt học sinh được miễn, giảm học phí và các khoảng đóng góp với kinh phí 239,4 tỷ đồng; hỗ trợ, xây dựng nhà ở cho 8.201 hộ với kinh phí 131,644 tỷ đồng; 2.256 lao động nghèo được đào tạo nghề miễn phí với kinh phí trên 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật bước đầu giúp cho người dân hiểu được quyền và trách nhiệm của mình trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, các thủ tục cần thiết để người nghèo tiếp cận, thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của Nhà nước.
Việc triển khai các dự án nâng cao năng lực và nhận thức được đẩy mạnh; đã có gần 2.500 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được tập huấn, trong đó có trên 90% là cán bộ cấp xã, thôn; kinh phí gần 1,9 tỷ đồng. Đã xây dựng, tập huấn, chuyển giao thành công phần mềm tin học quản lý hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội cho cán bộ cấp huyện và xã. Phong trào ”Ngày vì người nghèo” đã thu hút đông đảo sự quan tâm và giúp đỡ của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại cần phải giải quyết; đó là:
Một số chính sách, dự án giao cho các ngành thực hiện còn chồng chéo (như khuyến nông, khuyến, lâm, khuyến ngư và hỗ trợ sản xuất, phát triển ngành nghề, y tế,...).
Một số dự án phân cấp cho cấp huyện thẩm định, phê duyệt nhưng không thực hiện đúng quy định, không báo cáo với cơ quan chủ quản và cơ quan thường trực chương trình.
Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã hầu hết là kiêm nhiệm và chưa được đào tạo chính quy, chuyên ngành; mặt khác, chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, kết quả thấp.
Những nhiệm vụ đặt ra trong những năm đến
Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân đã và đang là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng; theo đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình trên địa bàn tỉnh, đặt ra cho các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và toàn xã hội những nhiệm vụ sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình, vận động thực hiện giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; thúc đẩy, khuyến khích ý chí quyết tâm vượt nghèo của mọi người dân; tiếp tục nghiên cứu tạo thêm các chính sách khuyến khích các hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhất là ở các xã nghèo, vùng nghèo và từng hộ nghèo, người nghèo.
- Tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp; đặc biệt, là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực và mạng lưới tổ chức trợ giúp pháp lý tại cơ sở, bảo đảm người nghèo khi có nhu cầu đều được trợ giúp pháp lý miễn phí, giúp nâng cao nhận thức pháp luật, tích cực tham gia vào công tác giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
- Đa dạng hoá các phương thức huy động nguồn lực và thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn II; ưu tiên trong việc bố trí nguồn lực, cấp vốn bảo đảm tiến độ, đưa công trình vào sử dụng đúng kế hoạch, không để dàn trải, kéo dài đối với các xã, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nghèo để tạo sự chuyển biến rõ nét. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng nghèo, xã nghèo và nhận người nghèo vào làm việc, khuyến khích dạy nghề gắn với tạo việc làm trong nước hoặc xuất khẩu lao động. Lồng ghép mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương.
- Cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo thông qua các chính sách, chương trình y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, nhà ở, đất ở, hạ tầng phục vụ dân sinh; từng bước thu hẹp dần chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các chương trình giảm nghèo.