Từ việc đầu tư chăn nuôi bò cái sinh sản nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo
Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 và các mô hình giảm nghèo đầu tư hiệu quả ở nông thôn thời gian qua, đặc biệt là mô hình phát triển chăn nuôi Bò cái lai sinh sản. Sau thời gian khảo sát, đánh giá các mô hình giảm nghèo phù hợp với hộ nghèo ở các xã nghèo. Nhằm giúp xã nghèo Bình Nam, huyện Thăng Bình phấn đấu thoát nghèo vào cuối năm 2015, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tổ chức khảo sát, đánh giá và thẩm định dự án mô hình giảm nghèo của xã Bình Nam, trình UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy trình hướng dẫn của trung ương. Ngày 22/8/2014, UBND tỉnh có Quyết định số 2599/QĐ-UBND phê duyệt Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2014 của xã Bình Nam, huyện Thăng bình.
Theo đó, mô hình đầu tư nhân rộng năm 2014 là Mô hình phát triển chăn nuôi bò cái lai sinh sản tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình. Mục tiêu cụ thể của dự án là hỗ trợ trực tiếp cho 50 hộ nghèo tham gia dự án tại 06 thôn trên địa bàn toàn xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững, từ đó góp phần thúc đẩy tốc độ giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của xã nghèo đạt từ 4% trở lên. Dự án hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo bò cái giống sinh sản (Mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 01 con bò cái giống, loại bò: Bò lai; tổng mức đầu tư cho 01 hộ nghèo là 18.500.000 đồng/hộ, gồm: Vốn do ngân sách tỉnh hỗ trợ: 9.500.000 đồng/hộ/con bò cái lai giống, vốn do UBND xã Bình Nam huy động: 5.000.000 đồng/hộ/con bò cái lai giống và vốn hộ nghèo tham gia đối ứng (kể cả vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội nếu đủ điều kiện) là 4.000.000 đồng/hộ/con bò cái lai giống. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 950.000.000 đồng, trong đó nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo (dự án 3) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2014 đã phân bổ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là 500.000.000 đồng, nguồn kinh phí vận động của UBND xã là 250.000.000 đồng và nguồn đối ứng của hộ gia đình tham gia dự án (kể cả vay Ngân hàng Chính sách xã hội) là 200.000.000 đồng.
Theo quyết định này, các hộ nghèo tham gia dự án sẽ hoàn trả 30% so với mức kinh phí ngân sách hỗ trợ cho từng hộ nghèo tham gia dự án (9,5 triệu đồng), tương ứng mỗi hộ phải thu hồi số tiền 2.850.000 đồng. Tổng số tiền phải thu hồi của 50 hộ tham gia dự án khi đến kỳ là 142.500.000 đồng. Thời điểm thu hồi là khi con bò cái lai giống được hỗ trợ sinh sản ra con bê con thứ nhất đủ 06 tháng tuổi và UBND xã Bình Nam tổ chức thu hồi bằng tiền mặt để duy trì và phát triển, nhân rộng mô hình hoặc đề xuất mô hình khác hiệu quả hơn để giúp hộ nghèo của xã có điều kiện thoát nghèo nhanh và bền vững. Trường hợp hộ nghèo được hỗ trợ bò cái giống nhưng không sinh sản được do nhiều nguyên nhân thì UBND xã và hộ nghèo được phép bán bò để mua lại 01 con bò cái lai sinh sản khác có giá trị tương đương. Đối với nguồn vốn do UBND xã huy động được để lồng ghép hỗ trợ cho hộ nghèo, UBND xã Bình Nam tự quyết định phương án thu hồi phù hợp.
Về tổ chức thực hiện mô hình, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện Thăng Bình chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện dự án; hướng dẫn UBND xã Bình Nam xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện mô hình; quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả; tổ chức nghiệm thu mô hình, lập thủ tục quyết toán mô hình theo quy định; hướng dẫn UBND xã Bình Nam thu hồi nguồn vốn theo quy định và xây dựng phương án sử dụng nguồn vốn thu hồi trình cấp thẩm quyền phê duyệt để nhân rộng; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn triển khai thực hiện mô hình; thanh, quyết toán theo quy định. Đồng thời, giao trách nhiệm cho Uỷ ban nhân dân huyện Thăng Bình chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan của huyện hướng dẫn, hỗ trợ xã Bình Nam trong thực hiện mô hình như hỗ trợ tiêm phòng dịch bệnh, giống cỏ, phối tinh, vay vốn ưu đãi hộ nghèo...; phê duyệt danh sách hộ nghèo tham gia mô hình; theo dõi, kiểm tra giám sát và báo cáo kết quả, hiệu quả thực hiện mô hình. UBND xã Bình Nam có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai mô hình; họp nhân dân xét chọn hộ nghèo tham gia mô hình, tham mưu UBND huyện phê duyệt; công khai mục tiêu, đối tượng, mức hỗ trợ và nội dung hỗ trợ cho các hộ tham gia mô hình; phân công cán bộ, đoàn thể theo dõi, hướng dẫn, động viên hộ nghèo tham gia mô hình đạt kết quả; thực hiện thu hồi nguồn vốn hỗ trợ và xây dựng phương án sử dụng nguồn vốn thu hồi báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thống nhất tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nghèo khác tham gia, nhân rộng mô hình, tuyệt đối không sử dụng nguồn vốn thu hồi để chi cho bất kỳ nhiệm vụ khác; thực hiện báo cáo tình hình thực hiện dự án cho UBND huyện Thăng Bình để theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) theo quy định./.