
Thứ trưởng Võ Văn Hưng, phát biểu tại cuộc họp
Theo báo cáo của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Vũ, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp tại Quảng Nam không ngừng đổi mới để thích ứng với hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng, góp phần quan trọng vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và OCOP. Toàn tỉnh hiện có một Liên hiệp Hợp tác xã nông nghiệp, 556 hợp tác xã với 100.000 thành viên. Trong đó, có 129 hợp tác xã đạt tiêu chí số 13, 136 hợp tác xã và tổ hợp tác có sản phẩm đăng ký chương trình OCOP với 150 sản phẩm đạt từ 3-4 sao.
Quảng Nam cũng triển khai 90 dự án, kế hoạch liên kết chuỗi giá trị với tổng kinh phí hơn 339 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ hơn 58 tỷ đồng. Các dự án tập trung chủ yếu vào trồng trọt, lâm nghiệp và chăn nuôi.
Về công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh cuối năm 2024 còn 6,35%, giảm 1,12% so với năm 2023. Các nhiệm vụ giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả, giúp người dân chủ động thoát nghèo thông qua sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh có 11.761 nhà cần hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 594 tỷ đồng. Đến ngày 10/3/2025, tỉnh đã hoàn thành 5.590 nhà với kinh phí giải ngân 436 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu, năm 2025 cần bổ sung hơn 157 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường sớm ban hành chính sách và nguồn kinh phí hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, điều chỉnh Nghị định 98/2018/NĐ-CP để phù hợp với tình hình thực tế, có cơ chế bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn, hướng dẫn chính sách xuất khẩu lao động tránh trùng lặp với các chương trình khác, đồng thời nghiên cứu chính sách trợ cấp hàng tháng cho hộ nghèo không có khả năng lao động, đặc biệt là hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng.
Tỉnh cũng đề xuất cho phép thực hiện cơ chế đặc thù trong triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia, đảm bảo phân bổ vốn linh hoạt mà không làm thay đổi cơ cấu nguồn vốn, đồng thời không điều chuyển nguồn tiết kiệm ngân sách của tỉnh sang các địa phương khác để đảm bảo đủ kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Văn Hưng đánh giá cao nỗ lực của Quảng Nam trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế tập thể và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia. Ông nhấn mạnh yêu cầu tinh gọn, sắp xếp bộ máy hành chính hiệu quả ngay sau khi sáp nhập, đẩy mạnh số hóa dữ liệu ngành để nâng cao hiệu quả triển khai nhiệm vụ. Các kiến nghị của tỉnh sẽ được đoàn công tác tiếp thu, tổng hợp và trình Bộ xem xét để có phương án giải quyết phù hợp.
Trước đó, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã làm việc với HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa tại huyện Đại Lộc

Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa huyện Đại Lộc
