Kế hoạch công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025.
Ngày đăng:
21:17 | 15/07/2024
Lượt xem:
1067
Ngày 11/7/2024 BCĐ công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 Ban hành Kế hoạch công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Mục đích nhằm đảm bảo yêu cầu chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm hoàn thành cơ bản công tác xoá nhà tạm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.
BCĐ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, chính quyền các cấp xác định mục tiêu, chương trình công tác chung đến năm 2025 và hàng năm; tham gia phối hợp, tổ chức thực hiện các Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát đã và đang triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo công tác chỉ đạo xoá nhà tạm, nhà dột nát đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra.
Theo đó, BCĐ đưa ra 07 mục tiêu thực hiện trong giai đoạn 2023-2025, như sau:
Một là, Xây dựng kế hoạch, chương trình làm việc nhằm huy động các nguồn lực xã hội, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đồng thời, cùng với huy động nguồn lực xã hội, nghiên cứu kiến nghị, xem xét bố trí thêm nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh để phấn đấu đạt các mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát đã được xác lập.
Hai là, Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; trong đó, chú trọng công tác truyền thông, dân vận nhằm phát huy, khơi dậy tình thần đoàn kết, tương ái, sự hưởng ứng tích cực, chủ động, chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân; quán triệt gạt bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại nguồnhỗ trợ của Nhà nước, thúc đẩy tỉnh thần tự lực, tự cường, tự làm nhà ở cho chính mình trong quá trình thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu những gương điển hình tiên tiến, những cách làm hay trong việc thực hiện chủ trương này.
Ba là, Tiếp tục thực hiện chương trình kiện toàn, củng cố bộ máy làm công tác xoá nhà tạm trên mỗi địa bàn. Đảm bảo sự tập trung tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị, quản lý nhà nước, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Đảm bảo trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trong xác định đối tượng thụ hưởng, tổ chức triển khai và kết quả thực hiện.
Bốn là, Xác lập cơ chế phân công, phân cấp thực hiện công tác rà soát, phân loại, điều chỉnh xét duyệt; gắn với các nguyên tắc ổn định kế hoạch tổng thể, đảm bảo quy định về đối tượng, tiêu chí, phù hợp với thực tiễn, công khai, dân chủ, mình bạch, công bằng nhằm phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Năm là, Xây dựng các giải pháp quản lý, tổ chức xây dựng nhà ở thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; khắc phục các hạn chế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và nguồn lực hỗ trợ, nhằm cải thiện chất lượng, độ an toàn, khả năng chống chịu của nhà ở thuộc chương trình trước tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu; phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng, khu vực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Sáu là, Nghiên cứu, đề xuất kế hoạch quản lý, điều hành phát huy hiệu quả giữa công tác xoá nhà tạm với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững.
Bảy là, Xây dựng và triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phù hợp với điều kiện thực tiễn và gần với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí./.
Tác giả:
Lê Văn Đáng