Ngày 17/4/2024, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Báo cáo số 510-BC/TU về sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy khóa XXII về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Qua 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đạt được nhiều kết quả quan trọng, phần lớn các mục tiêu, chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết đề ra cho cả giai đoạn và hàng năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 202-2025 giảm nhanh, đều và tương đối bền vững, giảm từ 7,59% (cuối năm 2021) xuống còn 5,57% (năm 2023), bình quân mỗi năm giảm 1,01% (tương ứng giảm 4.229 hộ nghèo/năm), vượt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao và mục tiêu giảm số lượng hộ nghèo Tỉnh uỷ đề ra. Nhiều chương trình, chính sách, phong trào, cuộc vận động hỗ trợ giảm nghèo được ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả. Các vấn đề cơ bản, bức xúc đối với người nghèo, như: Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, y tế, giáo dục, thông tin… được giải quyết cơ bản và kịp thời; các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi đã góp phần quan trọng cho công tác giảm nghèo bền vững; người nghèo đã có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, phát triển sản xuất, tạo thu nhập; cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội ở các huyện, xã và thôn nghèo đặc biệt khó khăn được quan tâm, ưu tiên đầu tư.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Tỷ lệ hộ nghèo vẫn của tỉnh còn cao hơn so với bình quân chung của cả nước, còn xảy ra tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới ở một số địa phương, nhất là các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân chưa được chú trọng đúng mức, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; một số cơ chế, chính sách giảm nghèo ban hành, hướng dẫn thực hiện còn vướng mắc, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung; công tác khảo sát, lập và giao kế hoạch vốn thực hiện chương trình, dự án giảm nghèo ở một số địa phương còn chậm, thiếu chủ động, chưa đảm bảo theo quy định phải thực hiện điều chỉnh nhiều lần; công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo ở một số nơi còn xảy ra sai sót; công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết ở một số ngành, địa phương chưa được thực hiện thường xuyên; bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp chưa được quan tâm bố trí để thực hiện chuyên trách, đa phần kiêm nhiệm.
Nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế nêu trên đó là: Do điều kiện kinh tế - xã hội giữa các vùng, khu vực, các nhóm dân cư trên địa bàn tỉnh có sự khác biệt, phát triển không đồng đều giữa các vùng, khu vực, các nhóm dân cư trên địa bàn tỉnh, do tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh...Nguyên nhân chủ quan đó là: Một số cấp uỷ đảng, chính quyền và người đứng đầu chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng nhu cầu; hệ thống cơ chế, chính sách về giảm nghèo chưa được hoàn thiện, một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo có sự trùng lặp về đối tượng, nội dung hỗ trợ trên cùng phạm vi, địa bàn thực hiện; một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về ý chí vươn lên thoát nghèo.
Nhằm tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo hướng đa dạng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững nhằm tạo cơ hội cho Nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh uỷ và Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Ban Thương vụ Tỉnh ủy đã thống nhất điều chỉnh mục tiêu cụ thể đã đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TU: "Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh giảm còn 4,16% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; trong đó, khu vực đồng bằng còn dưới 1,5%, khu vực miền núi còn khoảng 21%; các phường, thị trấn ở thành phố, thị xã không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo không có khả năng lao động); tỷ lệ hộ nghèo của 13 các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 03 - 04%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 03%/năm."
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung, triển khai đồng bộ 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra tại Báo cáo số 510-BC/TU để góp phần đạt được mục tiêu giảm nghèo theo hướng đa chiều, chung tay thực hiện phong trào thi đua "Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".