Cuộc họp được kết nối với 6 huyện nghèo, gồm: Tây Giang, Nam Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang và Bắc Trà My.
Đ/c Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc họp.
Theo Báo cáo của Sở KH-ĐT, tổng kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 trên phạm vi toàn tỉnh gần 3.646 tỷ đồng. Trong đó, vốn năm 2022 - 2023 chuyển sang hơn 1.423 tỷ đồng và vốn bố trí năm 2024 gần 2.223 tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được bố trí hơn 1.002 tỷ đồng; Chương trình giảm nghèo bền vững hơn 1.271 tỷ đồng; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 1.372 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay đã giải ngân được 1.79.678/3.645.802 triệu đồng, đạt tỷ lệ 5%, gồm: vốn đầu tư giải ngân 117.470/1.974.473 triệu đồng (đạt tỷ lệ 6%); vốn sự nghiệp giải ngân 62.208/1.671.329 triệu đồng (đạt tỷ lệ 4%), trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn kế hoạch năm 2024 (kể cả nguồn vốn năm 2022, 2023 kéo dài) giải ngân đến nay là 140.953/1.002.479 triệu đồng, đạt tỷ lệ 14%. Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Tổng nguồn vốn kế hoạch năm 2024 (kể cả nguồn vốn năm 2022, 2023 kéo dài) giải ngân đến nay là 25.238/1.271.479 triệu đồng, đạt tỷ lệ 2%. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng nguồn vốn kế hoạch năm 2024 (kể cả nguồn vốn năm 2022, 2023 kéo dài) giải ngân đến nay là 14.012/1.371.844 triệu đồng, đạt tỷ lệ 1%.
Tham gia phát biểu của các đ/c lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan của tỉnh tại cuộc họp
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan của tỉnh và 6 huyện nghèo đã nêu ra một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, về cơ chế chính sách, nhiều văn bản do các cơ quan trung ương ban hành còn chậm và chưa đồng bộ; một số nội dung còn chồng chéo, đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Trong khi đó, các đơn vị, địa phương vẫn còn chậm trễ hoàn chỉnh thủ tục nên đến thời điểm này vẫn chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao năm 2024.
Đáng chú ý, cơ chế chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 111 /2024/QH15, ngày 18/1/2024 của Quốc hội khác với các quy định trước nên nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong triển khai thực hiện…
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2024.
Do vậy, ngay từ bây giờ các Sở ngành liên quan của tỉnh và chính quyền các địa phương phải tập trung phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai, phải xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp cụ thể đối với từng phần việc của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị trong thời gian tới lãnh đạo các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc triển khai các công trình, dự án trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư; sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, chậm nhất đến ngày 15/4 để đấu thầu, thi công. Lưu ý, đến cuối tháng 6/2024 phải giải ngân hết nguồn vốn của năm 2022 và cuối tháng 8/2024 giải ngân hết nguồn vốn của năm 2023, đồng thời các địa phương quan tâm bố trí vốn đối ứng đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia./.