Chi tiết tin

A+ | A | A-

KỸ THUẬT NUÔI LỢN (HEO)

Ngày đăng: 22:04 | 04/01/2024 Lượt xem: 800

HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT CHĂN NUÔI, CHĂM SÓC VÀ PHÒNG BỆNH CHO LỢN SINH SẢN

I. Chuồng trại

- Chọn địa điểm cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, có rèm che lúc mưa gió. Nên xây dựng chiều dài chuồng theo hướng Đông - Tây để tránh bức xạ mặt trời.

- Nền chuồng làm bằng xi măng, có độ dốc khoảng 2%, không tô láng (để tránh hiện tượng heo bị trượt). Diện tích chuồng nái nuôi con khoảng 5-6 m2/con, có ô úm cho heo con từ 0,8 - 1 m2/ô. Có máng ăn, núm uống riêng biệt đúng kích cỡ. Ngoài chuồng có rãnh thoát phân và hố phân cách xa chuồng.

- Có điều kiện nên nuôi heo nái bằng lồng sắt, dùng núm uống tự động.

II. Một số giống heo được nuôi phổ biến tại việt nam

1. Heo Móng Cái

- Nguồn gốc: Lợn Móng Cái có nguồn gốc ở các huyện Đầm Hà, Đông Triều tỉnh Quảng Ninh.

         

Hình  Lợn Móng Cái

- Khả năng sinh sản:

- Lợn Móng Cái là giống lợn thành thục sớm, lợn đực lúc 2 tháng tuổi đã có phản xạ tính dục, lợn nái lúc 3 tháng tuổi xuất hiện kỳ động dục đầu tiên, chu kỳ động dục trung bình 21 ngày, thời gian động dục kéo dài 3-4 ngày. Lúc 7-8 tháng tuổi có thể cho phối giống để sinh sản.

- Là giống lợn mắn đẻ, đẻ nhiều con, số con đẻ ra/lứa trung bình 10-12 con, trọng lượng sơ sinh 0,5-0,7 kg/con

- Số lứa đẻ trung bình 1,8-2,0 lứa/năm.

2. Lợn Yorkshire

- Nguồn gốc: Lợn có nguồn gốc từ nước Anh.

-  Đặc điểm ngoại hình: Toàn thân có da màu trắng, lông có ánh vàng; đầu to, mặt gãy; tai đứng ngả về phía trước, thân mình hình chữ nhật, lưng phẳng; chân cao, chắc khỏe.

 

Hình Lợn Yorkshire

 

- Khả năng sinh sản: Số con sơ sinh đạt 9-10 con/lứa. Số lứa đẻ bình quân: 1,8-2 lứa/năm. Khối lượng sơ sinh: 1,2-1,4 kg/con. Trọng lượng 2 tháng tuổi đạt 18-20 kg/con.

3. Lợn Landrace

- Nguồn gốc: Lợn có nguồn gốc từ Đan Mạch.

- Đặc điểm ngoại hình: Toàn thân có da, lông màu trắng; đầu nhỏ, mõm dài; tai to rũ về phía trước che lấp mắt; thân mình dạng hình quả lê, lưng hơi cong lên; chân cao, chắc khỏe. Toàn thân có dáng hình thoi nhọn, đây là giống lợn tiêu biểu cho hướng nạc.

 

Hình  Lợn Landrace

 

- Khả năng sinh sản: Số con sơ sinh: 10-14 con/ lứa. Số lứa đẻ bình quân: 1,8-2 lứa/năm. Khối lượng sơ sinh: 1,2-1,4 kg/con. Trọng lượng 2 tháng tuổi đạt 18-20 kg/ con.

4. Lợn Duroc: Là giống lợn hướng nạc có nguồn gốc từ miền Đông nước Mỹ.

         

Hình Lợn Duroc

 

- Đặc điểm ngoại hình: Toàn thân da, lông có màu hung đỏ hoặc nâu thẫm; đầu nhỏ, mõm đen; tai rũ về phía trước; thân hình vững chắc, mông nở; bốn móng chân màu đen, chân chắc khỏe. Đây là giống lợn tiêu biểu cho hướng nạc.

- Khả năng sinh sản: Lợn có khả năng sinh sản kém, số con đẻ ra/lứa: trung bình 7-8 con, số lứa đẻ trung bình từ 1,7-1,8 lứa/năm, trọng lượng lợn con sơ sinh 1,2-1,3 kg/con, trọng lượng cai sữa đạt 12-15 kg/con.

5. Lợn cỏ địa phương (heo đen)

Hình Lợn cỏ địa phương (Heo đen)

 

Heo đen được nuôi nhiều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Heo có lông da có màu đen tuyền, mõm ngắn, tai nhỏ và ngắn dựng đứng, lưng hơi võng, bụng sệ, tầm vóc nhỏ, mình ngắn chân ngắn. Heo đen dễ nuôi vì chịu ẩm, nóng tốt, chịu kham khổ, sức chống bệnh cao, thịt thơm ngon.

III. Kỹ thuật nuôi

1. Chọn heo nuôi giống

Chọn những con dài thân, mông vai nở, háng rộng, bốn chân thẳng, chắc chắn, có bộ móng tốt, âm hộ (hoa) phát triển tốt, núm vú nổi rõ, hai hàng vú thẳng phân bố đều, khoảng cách hai hàng vú gần nhau là tốt. Heo nái có ít nhất 12 vú trở lên. Chú ý nên chọn những con có tính tình hiền lành.

2. Heo lên giống và phối giống

- Phối giống cho heo vào thời gian 7-8 tháng tuổi đạt trọng lượng từ 90-120 kg (đối với heo ngoại); trọng lượng 30-40 ký đối với heo đen địa phương.

- Heo lên giống ăn ít hoặc bỏ ăn, cắn phá chuồng, kêu réo liên tục, nhảy lên lưng của heo khác, âm hộ sưng đỏ, có thể có nước nhầy chảy ra.

- Thời gian heo lên giống từ 3-5 ngày, phối giống vào cuối ngày thứ hai hoặc sang ngày thứ ba là tốt. Phối vào lúc heo chịu đực. Biểu hiện heo chịu đực: Heo đứng im cho con khác nhảy lên lưng nó, hoặc người dùng hai tay ấn mạnh lên lưng heo vẫn đứng im, dịch nhờn âm hộ keo đặc lại.

- Có thể phối giống bằng heo đực nhảy trực tiếp hoặc bơm tinh nhân tạo, nên phối kép (phối hai lần), lần phối thứ hai cách lần phối thứ nhất từ 6-8 giờ.

- Không nên dùng heo đực có trọng lượng quá lớn nhảy với heo nái mới phối lần đầu. Chuồng cho heo phối phải sạch sẽ, nên rải rơm hoặc cỏ khô xuống dưới nền chuồng là tốt nhất.

3. Chăm sóc nuôi dưỡng heo nái mang thai

- Sau thời gian phối từ 18-21 ngày nếu heo không đòi đực lại thì coi như heo đã có chửa. Thời gian heo chửa 114 ngày (3 tháng + 3 tuần + 3 ngày) ± 3 ngày.

- Giai đoạn mang thai từ 1-90 ngày tùy tầm vóc của heo nái mập, gầy mà cho ăn lượng thực phẩm hợp lý 2-2,5 kg/con/ngày. Từ 91 ngày trở đi cho heo ăn tăng lên từ 2,5-3,0 kg/con/ngày. Trước khi sinh 3 ngày phải giảm thức ăn xuống từ 3kg-2kg -1kg/ngày. Ngày heo đẻ có thể không cho ăn để tránh sốt sữa.

- Trong thời gian chửa 2 tháng đầu không nên di chuyển heo nhiều, tránh gây sợ sệt heo sẽ bị tiêu thai. Trong thời gian chửa nên cho heo ăn thêm rau xanh, cỏ xanh.

- Cung cấp nước sạch cho heo uống theo nhu cầu.

4. Chăm sóc heo nái đẻ và heo con theo mẹ

- Trước ngày heo đẻ 2-3 ngày, vệ sinh chuồng trại, tắm chải heo mẹ sạch sẽ, diệt ký sinh trùng ngoài da.

- Heo nái sắp đẻ biểu hiện: Ỉa đái vặt, bầu vú căng mọng, bóp đầu vú sữa vọt ra, khi thấy nước ối và phân xu, heo nái rặn từng cơn là heo con sắp ra.

- Heo con đẻ ra dùng giẻ sạch lau nhớt ở miệng, mũi, lau khô, cắt rốn, bấm răng bỏ vào ô úm (sát trùng cuống rốn và dụng cụ bằng bông y tế nhúng cồn Iốt). Sau đó cho heo con bú “sữa đầu” càng sớm càng tốt để có sức đề kháng chống lại những nhiễm khuẩn phổ biến, giữ ấm cho heo con từ 31-330C trong mấy ngày đầu bằng bóng đèn điện hoặc rơm, bao bố.

- Bình thường heo đẻ 5-10 phút/con. Nếu ra nước ối và phân xu sau 1-2 giờ rặn đẻ nhiều mà không đẻ hoặc con nọ cách con kia trên 1 giờ thì phải mời cán bộ thú y can thiệp.

- Trường hợp heo mẹ khỏe, bình thường không nằm đè con thì nên cho heo con bú tự do là tốt nhất. Nếu nhốt vào ô úm thì tối thiểu cho bú 1 giờ 1 lần. Nên sắp xếp heo con có khối lượng nhỏ cho bú vú phía trước để đàn heo con phát triển đều.

- Heo con đẻ ra trong 1-3 ngày đầu chích sắt liều 200mg/con (1-2cc/con). Nếu heo mẹ thiếu sữa thì có thể cho heo con ăn dặm thêm các chế phẩm dinh dưỡng dành cho heo con sơ sinh. Từ 7-10 ngày tập cho heo con ăn bằng loại thức ăn dễ tiêu. Thiến heo đực vào khoảng 3-7 ngày tuổi.

- Nên tập heo con ăn sớm để có thể cai sữa sớm. Tùy điều kiện thức ăn và tình trạng đàn heo mà cai sữa hợp lý. Nên cai sữa vào khoảng từ 28-35 ngày tuổi.

- Heo mẹ đẻ xong, theo dõi số lượng nhau ra. Thụt rửa tử cung bằng thuốc tím 0,1%. Ngày thụt 2 lần, mỗi lần 2 - 4 lít, nếu sốt cao phải chích kháng sinh, hoặc mời cán bộ thú y can thiệp.

- Heo nái đẻ xong nên cho ăn tăng dần, từ ngày thứ 3 hoặc thứ 4 trở đi cho ăn thỏa mãn nhu cầu.

- Thời kỳ heo nái nuôi con, thức ăn phải tốt, máng phải sạch sẽ, không để thức ăn mốc, thừa, máng uống phải luôn đầy nước vì heo tiết sữa sẽ uống rất nhiều nước, không nên thay đổi thức ăn của heo nái.

5. Chăm sóc heo cai sữa 

- Gần ngày cai sữa nên giảm lần bú của heo con và tăng lượng thức ăn để chuẩn bị cho giai đoạn sống tự lập, đồng thời giảm thức ăn của heo mẹ để giảm tiết sữa.

- Ngày cai sữa cho heo mẹ nhịn ăn, sau đó cho ăn tăng lên để sớm động dục lại. Sau cai sữa 4-7 ngày heo nái động dục lại là tốt. Heo con giảm ½ khẩu phần sau đó tăng lên từ từ theo đủ nhu cầu.

- Heo con sau cai sữa cần được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt.

6. Thức ăn và cách cho ăn

a. Thức ăn

Thức ăn là yếu tố quan trọng nhất trong chăn nuôi heo giúp heo mau lớn, lãi suất cao, nâng cao phẩm chất quầy thịt. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng hộ chăn nuôi mà sử dụng các phương thức sau:

- Dùng thức ăn đậm đặc trộn nguyên liệu sẵn có ở địa phương.

- Dùng thức ăn tự trộn (bột cá + cám gạo + ngô, sắn + đậu nành…)

- Dùng thức ăn hỗn hợp (hay cám bao) của các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc có uy tín.

- Khoai sắn: Có chứa HCN rất độc, nên sử dụng nguyên liệu đã qua chế biến.

- Đậu nành phải được rang chín, nếu cho ăn sống dễ gây tiêu chảy, nhưng không nên rang cháy.

- Bột cá: Sử dụng bột cá loại tốt, không nên để lẫn sạn, cát…

- Bổ sung thêm axit amin, vitamin, khoáng vi lượng, Premix …

b. Chế độ cho ăn, nước uống

Khi heo mới bắt về cho ở chuồng riêng càng xa heo cũ càng tốt. Ngày đầu không nên tắm heo, nên cho heo ăn (nhất là heo con) ăn khoảng 1/2 nhu cầu, sau 3 ngày mới cho ăn no, thời gian đầu sử dụng cùng loại thức ăn với nơi bán heo, sau đó nếu thay đổi loại thức ăn thì phải thay đổi từ từ.

Căn cứ vào đặc điểm phát triển của heo và điều kiện chăn nuôi của từng hộ mà có 2 phương thức cho ăn:

- Phương thức cho ăn tự do: Cho heo ăn tự do theo nhu cầu từ cai sữa đến xuất chuồng.

- Phương thức cho ăn định lượng: Cho heo ăn theo số lượng nhất định trong ngày và thay đổi số lượng thức ăn theo trọng lượng của heo.

-  Nước uống cho heo phải sạch sẽ và đủ lượng nước theo nhu cầu.

IV. Phòng ngừa dịch bệnh

a. Vệ sinh chuồng trại

- Ngăn cách khu vực chăn nuôi heo với các súc vật khác như: Chó, mèo…

- Rửa và phun thuốc sát trùng chuồng trại sạch sẽ ít nhất 3-7 ngày trước khi thả heo vào chuồng.

- Hàng ngày phải quét phân trong chuồng giữ cho chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ.

- Xử lý xác chết gia súc nghiêm ngặt: Chôn sâu, đốt…

- Nên có kế hoạch rửa chuồng, phun thuốc sát trùng và diệt ruồi, muỗi mỗi tháng một lần.

b. Vệ sinh thức ăn và nước uống

- Thường xuyên kiểm tra thức ăn trước khi cho heo ăn, thức ăn phải đảm bảo chất lượng, không bị thiu, thối, mốc…

- Nước uống phải đủ, sạch và không bị nhiễm bẩn.

c. Phòng bệnh cho heo

 Định kỳ tiêm phòng cho heo các loại vaccin phòng bệnh như: dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, dịch tả lợn châu phi, Lở mồm long móng…

V. Một số bệnh thường gặp trên heo

1. Bệnh dịch tả heo cổ điển

Là 1 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh và rộng, bệnh có biểu hiện đặc trưng là bại huyết và xuất huyết. Bệnh phát ra ở heo thuộc tất cả các lứa tuổi với tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết cao.

a. Triệu chứng bệnh:  

Thời gian ủ bệnh từ 2–3 ngày và bệnh thường phát ra ở 2 thể:

-Thể cấp tính: heo ủ rũ, lười ăn, hay tìm chỗ tối để nằm. Sau 2 – 3 ngày nhiễm bệnh thì heo thường bị sốt cao tới 41 – 42 độ, cơn sốt kéo dài khoảng 4 – 5 ngày mới hạ. Khi cơn sốt hạ nhanh cũng là lúc heo sắp chết. Heo bị bệnh thường xuyên thở mạnh, ở các chỗ da mỏng (như mõm, chỏm tai, chân và quanh sườn) xuất hiện các nốt đỏ riêng biệt rồi phát triển thành đám xuất huyết lớn. Sau đó, các điểm đỏ này bị tím lại rồi bong da vảy (hoặc bị thối loét). Mắt heo bệnh có màu trắng che phủ, mũi heo bị viêm nên nước mũi đặc. Heo đi phân không ổn định, lúc đầu thì táo bón, đi ra phân cục nhưng khi thân nhiệt của heo hạ nhanh dưới bình thường (37-38 0C) thì đi ra phân lỏng “vọt cần câu” có màu vàng xám, có mùi tanh khẳm đặc biệt. Heo bị bệnh ở thể cấp tính thường xuống sức nhanh chóng và chết sau 3 – 6 ngày. Hết sức chú ý, bệnh dịch tả heo ở thể cấp tính thường xuất hiện cùng với 1 số bệnh khác như bệnh phó thương hàn, bệnh tụ huyết trùng … Nếu bị cùng với bệnh phó thương hàn thì heo sẽ tiêu chảy trong thời gian dài, phân thối, sờ vào bụng heo thì thấy có nhiều chỗ sưng. Nếu bị cùng với bệnh tụ huyết trùng thì heo sẽ bị viêm phổi. Nếu cả 3 bệnh cùng xuất hiện thì ở da mõm, da tai, da cổ, da bụng có những mụn mủ nổi lên. Ngoài ra, tai và đuôi cũng bị hoại tử (thối). Bệnh dịch tả heo lây lan chủ yếu qua đường tiêu hoá (ăn, uống). Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường tập trung vào mùa mưa (ở các tỉnh phía Nam). Heo khoẻ mạnh ăn uống phải virut dịch tả sẽ phát bệnh nếu chưa được tiêm phòng bằng vaccin

-Thể mạn tính: Các triệu chứng giống như thể cấp tính nhưng nhẹ và kéo dài. Heo bị nhiễm bệnh ở thể mãn tính sẽ gầy yếu, thường bị ho, khó thở, bài tiết không ổn định (lúc thì tiêu chảy, lúc thì táo bón). Bệnh phát triển trong khoảng 1 – 2 tháng, nếu không được chữa trị kịp thời thì sẽ chết do kiệt sức.

b. Biện pháp phòng trị bệnh: Hiện tại chưa có thuốc đặc trị nên bà con phải tiêm phòng Vắc xin đúng lịch trình, khi lợn mới mua về phải nhốt riêng ra ít nhất 3 tuần, để tránh trường hợp lợn lây bệnh cho đàn. Chuồng trại phải luôn vệ sinh định kỳ, sát trùng, khi có dịch xảy ra lợn bệnh phải được xử lý ngay kịp thời.

2. Bệnh Dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - ASF)

Là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã). Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng, với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.

a. Triệu chứng của bệnh

-Thể quá cấp tính (Peracute) là do vi rút có độc lực cao, lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.

-Thể cấp tính (Acute) lợn sốt cao (40,5-42°C); Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước, lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 ngày hoặc có thể kéo dài đến 20 ngày. Lợn mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn. Tỷ lệ chết cao lên tới 100%. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm vi rút thể mạn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang vi rút Dịch tả lợn châu Phi trong suốt cuộc đời.

- Thể mãn tính (Chronic form) gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp, chủ yếu được tìm thấy ở Angola và châu Âu. Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỷ lệ chết thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút gây nên bệnh sẽ trở thành dạng mãn tính.

Chẩn đoán phân biệt Dịch tả lợn châu Phi và Dịch tả lợn cổ điển

- Dịch tả lợn châu Phi và Dịch tả lợn cổ điển khó có thể chẩn đoán phân biệt nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Vì vậy, trong mọi trường hợp, phải lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh.

- Các bệnh khác cần được chẩn đoán phân biệt với bệnh Dịch tả lợn châu Phi bao gồm các bệnh: Bệnh tai xanh (PRRS), đặc biệt là thể cấp tính; bệnh đóng dấu lợn; bệnh phó thương hàn; bệnh tụ huyết trùng; bệnh liên cầu khuẩn do Streptococcus sui; bệnh Glasser; bệnh ký sinh trùng đường máu do Trypanosoma gây ra; Hội chứng viêm da sưng thận do PCV2; bệnh giả dại ở lợn choai và bị ngộ độc muối.

b. Biện pháp phòng trị bệnh: Hiện tại chưa có thuốc đặc trị nên bà con phải chú ý khi lợn mới mua về phải nhốt riêng ra ít nhất 3 tuần, để tránh trường hợp lợn lây bệnh cho đàn. Chuồng trại phải luôn vệ sinh định kỳ, sát trùng, khi có dịch bệnh xảy ra phải được xử lý ngay kịp thời và báo ngay cho UBND xã hoặc cán bộ thú y.

3. Bệnh tụ huyết trùng heo:

Do cầu trực khuẩn Pasteurella multocida gây nên với đặc điểm gây bại huyết, xuất huyết và gây xáo trộn hô hấp (chủ yếu là viêm phổi). Bệnh này rất nguy hiểm đối với những cơ sở chăn nuôi heo tập trung có mật độ cao. Mầm bệnh có sẵn ở trong đất, trong khí quản và trong phổi heo. Ở trạng thái bình thường heo ít bị bệnh tấn công nhưng khi heo bị suy giảm sức đề kháng thì mầm bệnh sẽ phát sinh và gây bệnh.

a. Triệu chứng bệnh: 

Thời gian nung bệnh từ 1-5 ngày và bệnh thường phát ra ở 2 thể:

- Thể cấp tính:

Heo thường bị sốt cao 41 - 420C, hầu và cằm bị sưng to. Khi bệnh, heo thường bị viêm phổi nên khó thở, nhịp thở nhanh, ho khan, chảy nhiều nước mũi, lúc đầu loãng sau đặc dần. Ở tai, mõm, bụng và những chỗ da mỏng xuất hiện những nốt đỏ, tím. Đôi khi heo có hội chứng thần kinh khi sốt cao như đi vòng tròn, kêu to run rẩy, sùi bọt mép, chân co giật. Ở giai đoạn đầu của bệnh, heo thường bị táo bón sau đó bị tiêu chảy. Nếu không can thiệp kịp thời, heo sẽ chết rất nhanh sau 12-36 giờ.

- Thể mãn tính:

Heo cũng bị sốt cao, khó thở và tiếp tục ho, các khớp bị sưng. Heo thường gầy hẳn đi, yếu ớt sau 1 – 2 tháng là chết. Bệnh tụ huyết trùng ở heo thường phát sinh rải rác, tuy nhiên có những lúc bệnh phát triển ồ ạt tạo thành dịch bệnh. Bệnh thường hay phát sinh vào đầu và cuối mùa mưa. Bệnh thường xảy ra đối với heo từ 3 – 4 tháng tuổi và heo sau cai sữa.

b. Biện pháp phòng trị bệnh:

- Phòng bệnh: 

Bằng vaccin tụ huyết trùng heo keo phèn, đối với heo nái tiêm phòng trước khi phối giống, đối với heo con tiêm khi heo được 40 – 45 ngày tuổi. Tiêm cho heo vào gốc tai với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau khi tiêm 8 – 14 ngày thì vaccin mới bắt đầu phát huy tác dụng và hiệu quả phòng ngừa bệnh kéo dài từ 4 – 5 tháng. Vì vậy nên tiêm phòng cho heo theo định kỳ 4 – 5 tháng 1 lần. Ngoài việc tiêm phòng, cần chú ý cải thiện điều kiện vệ sinh thú y (giữ chuồng trại khô ráo và thường xuyên sát trùng chuồng trại) và chăm sóc nuôi dưỡng tốt để giúp heo nâng cao sức đề kháng.

- Trị bệnh: 

Chỉ đạt hiệu quả cao khi phát hiện và điều trị heo bị bệnh sớm. Hầu hết các loại kháng sinh hiện nay đang sử dụng trong thú y đều có tác dụng mạnh đối với mầm bệnh. Trong thực tế điều trị thường dùng phối hợp giữa Streptomicine với liều 20 – 40 mg/kg thể trọng và Penicillin với liều 20.000 – 40.000 IU/kg thể trọng hoặc dùng Terramicin 10 – 20 mg/kg thể trọng. Để nâng cao hiệu quả điều trị, cần phối hợp với những loại thuốc trị triệu chứng như thuốc giảm sốt (Analgine), thuốc giảm ho (Eucalyptin), thuốc kháng viêm (Dexamethasone), thuốc trợ lực, trợ sức.

4. Bênh lở mồm long móng

a. Triệu chứng bệnh: Thời gian ủ bệnh 2 – 4 ngày, có thể đến 21 ngày, triệu chứng: lợn chảy nước dãi, sốt cao liên tục, xuất hiện những mụn nước ở vùng chân, các mụn này phát triển thành mảng lớn, vỡ ra. Lợn bị bệnh hay nằm, chán ăn.

b. Biện pháp phòng trị bệnh

- Hiện nay chưa có thuốc điều trị. Bà con giữ gìn chuồng trại luôn khô ráo, định kỳ phun sát trùng. 

- Thức ăn, nước uống dùng cho lợn phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y. 

- Tiêm phòng vắc-xin lợn lần 1 từ 2 tuần tuổi trở lên, sau 28 ngày tiêm nhắc lại lần 2, rồi theo chu kỳ cứ 6 tháng tiêm nhắc lại 1 lần.

- Người chăn nuôi phải thường xuyên quan sát đàn vật nuôi, khi thấy gia súc có hiện tượng lạ như sốt, bỏ ăn, chảy nước dãi, có bọt có mụn nước ở vùng miệng và quanh móng chân phải tiến hành cách ly ngay.

- Báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương để được hướng dẫn các biện pháp xử lý thích hợp.

- Xử lý các vết lở loét bằng cách rửa các loại thuốc sát trùng, chanh, khế.

Tác giả: Lê Văn Đáng

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên Kết Website