Huyện Tây Giang đã đưa ra Kế hoạch triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn huyện.
Tây Giang xác định năm 2024 là một năm quan trọng. (Ảnh minh họa)
Mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các địa bàn trong toàn huyện; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng các xã, thôn nghèo nhằm sớm thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin; cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, huyện đặt ra chỉ tiêu cụ thể:
Một là: Phấn đấu giảm từ 270 đến 330 hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm 5 - 6%, trên 3%, đạt mục tiêu của Chương trình theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ (giảm từ 3 - 4%/năm) và Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025.
Hai là: Triển khai, tổ chức thực hiện nguồn vốn đầu tư công đảm bảo 100% kế hoạch giao.
Ba là: Hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm đa dạng hóa sinh kế tại các xã tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và có sự tham gia cộng đồng.
Bốn là: Hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, công trình thủy lợi, cầu, hạ tầng điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu Nhân dân.
Năm là: Kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, phát triển thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm bền vững từ 300 lao động (trong đó, đưa từ 50 lao động trở lên đi làm việc ở nước bạn Lào) có thu nhập ổn định, xây dựng cuộc sống ấm no, vươn lên thoát nghèo.
Sáu là: Hỗ trợ 451 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai.
Để đạt được các mục tiêu, huyện đưa ra một số giải pháp chủ yếu.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Ngoài kinh phí từ ngân sách trung ương, tỉnh phân bổ, huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và huy động đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.
Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo, những người tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ người dân nâng cao năng lực, không rơi vào tình trạng nghèo đói.
Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình./.