Huyện Đông Giang đã đưa ra Kế hoạch triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn huyện.
Đông Giang xác định năm 2023 là một năm quan trọng. (Ảnh minh họa)
Mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tạo sinh kế để hỗ trợ người nghèo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, huyện đặt ra chỉ tiêu cụ thể:
1. Giảm 497 hộ nghèo (tương ứng với giảm 6,62% hộ nghèo so với năm 2022).
2. Hỗ trợ 305 hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí nhà ở được hỗ trợ kinh phí (từ các Chương trình MTQG), vay vốn để xây mới, sửa chữa, cải thiện nhà ở.
3. Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế...
4. Phấn đấu 98% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 60%.
5. Phấn đấu 95% hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thông tin (sử dụng tivi, radio, nghe loa, đài truyền thanh và dùng điện thoại).
Để đạt được các mục tiêu, huyện đưa ra một số giải pháp chủ yếu:
Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
Bên cạnh đó, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Ngoài kinh phí từ ngân sách trung ương, tỉnh phân bổ, huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và huy động đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.
Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo, những người tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình để hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, hỗ trợ người dân nâng cao năng lực, không rơi vào tình trạng nghèo đói.
Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình./.