Nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, giảm khoảng cách tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giữa các nhóm dân cư; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, Ủy ban nhân dân huyện Quế Sơn ban hành kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa huyện năm 2025 với các nội dung như sau:
Mục đích: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác giảm nghèo bền vững nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo về tiêu chí tiếp cận đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn xã hội và ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững của hộ nghèo, hộ cận nghèo trong triển khai thực hiện; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện nhằm duy trì không còn hộ nghèo thuộc nhóm có thể tác động để thoát nghèo, không có hộ tái nghèo, hạn chế phát sinh hộ nghèo mới, giảm hộ cận nghèo. Đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về giảm nghèo bền vững năm 2025; Tập trung huy động các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng thu nhập, chú trọng đầu tư đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho người nghèo, người cận nghèo và tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em để tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu giảm trên 50 hộ nghèo trong năm 2025.
Nội dung thực hiện:
1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững: Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các Hội, đoàn thể tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện; tổ chức rà soát, quán triệt tổ chức thực hiện đến tận địa bàn thôn, tổ dân phố, hộ gia đình; đề ra chỉ tiêu, mục tiêu giảm nghèo bền vững cụ thể, đảm bảo phù hợp với thực trạng nghèo và điều kiện của từng địa phương, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo hàng năm. Từng địa phương phải ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, không hình thức, đảm bảo thực chất, các giải pháp giảm nghèo phải tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến đời sống nhân dân, cải thiện thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo.
2. Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, hướng dẫn thực hiện các Chương trình, chính sách giảm nghèo; Tập trung quán triệt triển khai nội dung Kế hoạch giảm nghèo của UBND huyện đến cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức và Nhân dân nắm, đồng thuậntrong triển khai thực hiện, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo của các địa phương, số hộ được giao thoát nghèo năm 2024 theo chỉ tiêu của UBND huyện. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, chú trọng đến hình thức đối thoại, giải thích, vận động trực tiếp hộ nghèo, hộ cận nghèo phổ biến về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững với phương pháp và cách làm phù hợp, tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, làm chuyển biến mạnh mẽ tư duy, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025. Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện chủ trương thoát nghèo bền vững. Khơi dậy ý chí chủ động, tự vươn lên của người nghèo; giúp hộ nghèo nhận thức được trách nhiệm thoát nghèo là trách nhiệm chính của gia đình; Nhà nước và xã hội chỉ hỗ trợ một phần các điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững.
3. Tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững:
Tiếp tục hỗ trợ vốn vay (đối với những hộ có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện) hướng dẫn phương pháp làm ăn để những hộ này chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán tăng thêm nguồn thu nhập ngoài nguồn thu nhập chính. Giới thiệu, hướng dẫn và tạo việc làm phù hợp cho các thành viên trong hộ gia đình để có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.
Thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ theo quy định. Ngoài ra, các địa phương chủ động tranh thủ huy động các nguồn lực để nhận đỡ đầu các cháu là con của hộ phụ nữ đơn thân nghèo, con của những hộ có thành viên đang hưởng bảo trợ xã hội, trẻ em mồ côi được ăn học đến khi trưởng thành.
Trao phương tiện sinh kế theo nhu cầu nguyện vọng của từng hộ, hỗ trợ nguồn vốn ban đầu để làm ăn, giới thiệu đào tạo nghề.
Triển khai thực hiện tốt, đầy đủ các chính sách dành cho hộ nghèo. Thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với những trường hợp đủ điều kiện hưởng theo quy định.
Bên cạnh việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội, nhận đỡ đầu của các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay; các địa phương tiếp tục vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức, các doanh nghiệp trên địa bàn nhận đỡ đầu các cụ già cả neo đơn và những hộ khuyết tật nặng, đặc biệt nặng cô đơn để nâng mức hỗ trợ đảm bảo mức sống.
Đối với những trường hợp không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, địa phương xác lập hồ sơ đưa vào chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 21/02/2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam về việc quy định chính sách hỗ trợ cải thiện mức sống cho một số đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang hưởng chính sách người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Quyết định số 1315/QĐUBND ngày 16/5/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ cải thiện mức sống cho một số đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang hưởng chính sách người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
4. Tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện kế hoạch giảm nghèo bền vững:
Tiếp tục phát huy Phong trào “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau’; cuộc vận động gây quỹ “Ngày vì người nghèo”, Quỹ cứu trợ của Mặt trận tổ quốc, các phong trào hỗ trợ hộ nghèo của các Hội, đoàn thể, của các tổ chức, nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện; chủ động, tích cực tiếp cận các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp để vận động hỗ trợ thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Tăng cường phối hợp để lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực huy động trong tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, khuyến khích thoát nghèo, nhất là gắn việc thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Dự án đa dạng sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Quỹ “Ngày vì người nghèo”.Quá trình tổ chức thực hiện phải có sự chỉ đạo đồng bộ giữa chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các Hội, đoàn thể; hướng dẫn cơ sở thực hiện thống nhất nội dung, đối tượng hỗ trợ, biện pháp hỗ trợ, nguồn lực hỗ trợ và cách thức tổ chức thực hiện… đảm bảo tập trung, không dàn trải, phân tán nguồn lực, tạo điều kiện để giúp hộ nghèo thực hiện được phương án, kế hoạch thoát nghèo bền vững.
Chủ động tìm kiếm hoặc tạo ra thị trường tiêu thụ nông sản cho nhân dân trên địa bàn như tổ chức các sự kiện, hội chợ,... để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của người dân địa phương, giúp nhân dân giải quyết đầu ra của sản phẩm, góp phần động viên người dân tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm và có thu nhập thường xuyên, ổn định.
5. Nâng cao năng lực giảm nghèo
Nâng cao chất lượng hoạt động và phân công cụ thể nhiệm vụ, địa bàn theo dõi, chỉ đạo cho thành viên thuộc Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của huyện để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hỗ trợ địa phương tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Kiện toàn bộ máy, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp đảm bảo thống nhất, đủ năng lực, hoạt động chuyên nghiệp, tham mưu thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Thực hiện tốt công tác điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cơ sở Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐCP ngày 27/01/2021 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; xây dựng đội ngũ điều tra viên có chất lượng để tổ chức thực hiện công tác điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo kết quả chính xác, đúng thực trạng; thực hiện công tác phương pháp quản lý hồ sơ hộ nghèo, hộ cận nghèo hợp lý khoa học, làm cơ sở đề xuất các giải pháp hỗ trợ phù hợp theo từng nhóm hộ nghèo; có biện pháp quyết liệt, cương quyết đối với các hộ có đủ điều kiện tổ chức sản xuất, học tập, lao động nhưng có tư tưởng trông chờ thụ hưởng chính sách. Tăng cường công nghệ thông tin, thực hiện công khai minh bạch, dân chủ trong công tác giảm nghèo bền vững.
6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững
Các cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Đối với cấp xã, thị trấn ngoài nội dung kiểm tra, giám sát theo quy định của trung ương, phải thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình đời sống hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo để hướng dẫn, động viên và có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
Tiếp tục chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về những mặt còn hạn chế trong tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo bền vững hàng năm; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo, thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG trong triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo thực hiện tốt các quy định của Trung Ương.
Kinh phí thực hiện: Thực hiện lồng ghép các chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và từ các chương trình, dự án khác có liên quan; Kinh phí thực hiện một số chính sách trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ thoát nghèo bền vững (Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam và Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 21/02/2022 của HĐND tỉnh Quảng Nam theo quy định hiện hành; Tiếp tục phát triển Quỹ “Ngày vì người nghèo”, vận động xã hội hóa từ các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
UBND huyện đề nghị các cơ quan, ban ngành, các địa phương triển khai thực hiện.