Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch số 1022/KH-SYT ngày 08/5/2024 và tiến hành triển khai kiểm tra, giám sát, đánh giá tổ chức thực hiện các hoạt động Cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững tại 13 huyện thụ hưởng chương trình; trong quá trình kiểm tra, giám sát, đánh giá đã trực tiếp hướng dẫn, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương và đã có các văn bản gửi đến từng địa phương; đồng thời đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tuyến tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động. Tính đến hết tháng 6 năm 2024, đa số địa phương đã xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết các hoạt động thuộc chương trình năm 2024. Một số địa phương đã triển khai chương trình, đạt tỷ lệ giải ngân rất tốt như huyện Bắc Trà My, Nam Giang..., bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương còn khó khăn, lúng túng trong quá trình triển khai, tỷ lệ giải ngân thấp.
Để tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả Chương trình, Sở Y tế tổng hợp, giải đáp các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Hoạt động Cải thiện dinh dưỡng - Tiểu dự án 2 Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cụ thể như sau:
1. UBND huyện chưa có văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm Y tế huyện để triển khai thực hiện chương trình:
*/ Ý kiến giải quyết: Đây là nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương, tuy nhiên sau khi Đoàn công tác của Sở Y tế triển khai đánh giá tổ chức thực hiện chương trình, tại các địa phương giao nhiệm vụ cho Trung tâm Y tế thực hiện thì chương trình đang được triển khai tốt. Do đó, căn cứ Kế hoạch 3428/KH-UBND ngày 14/5/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam; Công văn số 3385/STC-NS ngày 13/10/2023 của Sở Tài chính về việc phúc đáp Công văn số 537/UBND-VP ngày 08/8/2023 của UBND huyện Hiệp Đức; Sở Y tế đã có ý kiến đề nghị UBND huyện có văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm Y tế huyện để triển khai Chương trình đảm bảo kịp tiến độ.
2. Đề nghị Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cung cấp tài liệu, hỗ trợ về chuyên môn để TTYT huyện có căn cứ xây dựng, triển khai kế hoạch.
*/ Ý kiến giải quyết: Về nội dung này, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật rà soát, cung cấp tài liệu cho các địa phương trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn: Quyết định 3452/QĐ-BYT ngày 06/9/2023 của Bộ Y tế, Quyết định số 523/QĐ-VDD ngày 01/4/2024 của Viện Dinh dưỡng về ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 và các văn bản khác liên quan để tổ chức tập huấn, hướng dẫn Trung tâm Y tế xây dựng Kế hoạch, triển khai thực hiện Chương trình. - Đề nghị Trung tâm Y tế các huyện tập trung nghiên cứu các tài liệu, bám sát các nội dung của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cung cấp, hướng dẫn để triển khai Chương trình đảm bảo hiệu quả, đạt chỉ tiêu đề ra.
3. Đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn thêm cho đơn vị về triển khai thực hiện mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời.
*/ Ý kiến giải quyết: Theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, căn cứ Công văn số 3598/BYT-BM-TE ngày 29/4/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn xây dựng và triển khai Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tổ chức các lớp tập huấn tại Trung tâm Y tế các huyện nhằm hướng dẫn, nâng cao năng lực triển khai mô hình cho tuyến huyện và tuyến xã. Sau lớp tập huấn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã có các văn bản xác nhận các thành viên đã tham gia và hoàn thành khóa học. - Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục bám sát, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương triển khai thực hiện các nội dung này.
4. Đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn thêm về chuyên môn, cách thức phối hợp giữa ngành: Y tế và Giáo dục
*/ Ý kiến giải quyết: Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật căn cứ các văn bản: Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYTBGDĐT ngày 12/5/2016 của Liên Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch số 168/KHLN-SYTSGDĐT ngày 07/2/2023 của Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện công tác Y tế trường học trong cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Phần 4 Sổ tay Hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 ban hành kèm theo Quyết định số 523/QĐ-VDD ngày 01/4/2024 của Viện Dinh dưỡng và các văn bản khác có liên quan để hướng dẫn cho tuyến huyện cách thức phối hợp với ngành Giáo dục tại địa phương.
- Đề nghị Trung tâm Y tế các huyện nghiên cứu các hướng dẫn, văn bản liên quan để triển khai đồng thời báo cáo các khó khăn trong công tác phối hợp cho UBND huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế để được chỉ đạo, xem xét, giải quyết.
5. Khó khăn, vướng mắc trong nội dung mua sắm vi chất dinh dưỡng: - Về cơ chế đấu thầu - Về tiêu chuẩn chọn các sản phẩm vi chất dinh dưỡng (hàm lượng, liều lượng).
*/ Ý kiến giải quyết:
- Về cơ chế thực hiện mua sắm, đấu thầu: đề nghị các đơn vị nghiên cứu, căn cứ các văn bản: Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 26/3/2023; Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; Thông tư số 07/2024/TTBYT ngày 17/4/2024 về việc quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập; Thông tư 55/2023/TTBTC ngày 15/08/2023 quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các văn bản hướng dẫn chuyên môn để phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan triển khai công tác mua sắm đấu thầu. Lưu ý: Đối với địa phương triển khai mua sắm các gói thầu có giá trị dưới 50 triệu đồng thì thực hiện mua sắm theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023 cụ thể: “Đối với gói thầu hoặc nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm chịu trách nhiệm quyết định việc mua sắm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không phải lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, không phải ký hợp đồng với nhà cung cấp nhưng phải bảo đảm chế độ hóa đơn, chứng từ đầy đủ theo quy định của pháp luật”
- Về tiêu chuẩn chọn các sản phẩm vi chất dinh dưỡng: Trung tâm Y tế triển khai theo hướng dẫn tại Công văn số 750/SYT-NVY ngày 10/4/2024 của Sở Y tế Quảng Nam về việc phổ biến sổ tay hướng dẫn thực hiện nội dung “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024. - Các đơn vị có thể tham khảo thông tin về thành phần hoạt chất, nồng độ hàm lượng, dạng bào chế, quy cách đóng gói, giá trúng thầu hoặc giá kê khai của các sản phẩm vi chất dinh dưỡng, thiết bị y tế tại các địa chỉ sau:
+ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia: https://muasamcong.mpi.gov.vn/
+ Thông tin kết quả đấu thầu thuốc - Cục quản lý dược: https://dav.gov.vn/thong-tin-dau-thau-thuoccn8.html
+ Website tra cứu giá thuốc - Cục quản lý dược: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbogiathuoc/index
+ Cổng công khai y tế - Bộ Y tế: https://congkhaiyte.moh.gov.vn/.
6. Đối tượng hỗ trợ trực tiếp trên địa bàn huyện ít nên không thể triển khai 100% nguồn vốn
*/ Ý kiến giải quyết: Ngoài các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng thì các hoạt động hỗ trợ gián tiếp (truyền thông, tuyên truyền, tư vấn dinh dưỡng...) cũng có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai hiệu quả Chương trình, đặc biệt là công tác truyền thông, giúp người dân trang bị thêm các kiến thức, tác động tích cực vào nhận thức, ý thức của người dân, từ đó thay đổi hành vi theo hướng tích cực và có hiệu quả lâu dài. Trên cơ sở đó, đề nghị các đơn vị căn cứ tình hình thức tế tại địa phương để xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hỗ trợ gián tiếp.
7. Đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sớm phân bổ cân, thước đo
*/ Ý kiến giải quyết: Đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẩn trương mua sắm và thông báo số lượng cân, thước đo phân bổ để các địa phương biết và chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm thêm nếu có nhu cầu.Trong thời gian chờ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mua, phân bổ, đề nghị các địa phương sử dụng cân, thước đo hiện có để triển khai các hoạt động.
8. Các hoạt động tuyên truyền không có chế độ hỗ trợ tiền đi lại, phụ cấp cho người dân nên
*/ Ý kiến giải quyết: Việc sử dụng kinh phí cần thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. - Đề nghị các đơn vị tăng cường công tác tư vấn, truyền thông cho người dân, đối tượng thụ hưởng về mục đích của các hoạt động tuyên truyền để tham gia đầy đủ.
9. Đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông tin về những sản phẩm dinh dưỡng mà Trung tâm sẽ mua cấp cho các địa phương để tránh trùng lặp
*/ Ý kiến giải quyết: Đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khẩn trương thực hiện mua sắm và thông báo cụ thể số lượng, đối tượng sử dụng sản phẩm dinh dưỡng cho Trung tâm Y tế các huyện biết để tránh việc trùng lặp trong mua sắm.
- Trung tâm Y tế các huyện căn cứ thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để mua vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng để bổ sung cho các đối tượng khác đảm bảo không trùng lắp đối tượng thụ hưởng.
Để hoạt động Cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả, đảm bảo giải ngân nguồn vốn được giao (cuối tháng 8/2024 giải ngân hết nguồn vốn năm kéo dài 2023, cuối tháng 12/2024 giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024), Sở Y tế chỉ đạo:
+ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động bám sát tình hình triển khai Chương trình tại các địa phương; hướng dẫn, giải đáp các khó khăn cho các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
+ Trung tâm Y tế Tập trung rà soát các hoạt động chưa triển khai theo Quyết định 3452/QĐBYT ngày 06/9/2023 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn thực hiện nội dung cải thiện dinh dưỡng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 4763/KH-UBND ngày 21/7/2023 và Kế hoạch 3428/KH-UBND ngày 14/5/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam để xây dựng Kế hoạch chi tiết đảm bảo triển khai Chương trình toàn diện, đạt các chỉ tiêu đề ra. Có văn bản giao nhiệm vụ cho đơn vị, cá nhân triển khai thực hiện chương trình, báo cáo cụ thể về Sở Y tế.
Trên đây là một số giải đáp các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong công tác triển khai hoạt động Cải thiện dinh dưỡng thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và giải pháp để giải ngân nguồn vốn thực hiện dự án có hiệu quả trong thời gian tới./.