Với sự quan tâm sát sao, sâu sắc của cả hệ thống chính trị, có thể nói, trong hai thập kỷ qua, nước ta đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong công tác giảm nghèo, đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010 và đến năm 2013 còn khoảng 9,6% theo chuẩn mới.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao tặng bò sinh sản giúp người nghèo biên giới huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La
Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp đã tham gia vận động được gần 24.000 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội, trong đó ủng hộ vào Quỹ "Vì người nghèo" 4 cấp được trên 5.860 tỷ đồng. Đó chính là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ xây dựng và sửa chữa gần 400.000 căn nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, xây dựng hàng nghìn công trình phúc lợi và giúp đỡ hàng triệu người nghèo...
Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, giảm nghèo bền vững luôn là mong ước của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, địa phương có nhiều hộ nghèo và chính những người nghèo. Những mong ước tốt đẹp ấy đều đang trông đợi vào việc đổi mới chính sách của Nhà nước trong công tác giảm nghèo cùng muôn tấm lòng rộng mở hướng về người nghèo.
Tuy nhiên, có một thực tế cần nhìn nhận là bên cạnh những nỗ lực rất đáng được ghi nhận của toàn xã hội thì công cuộc xóa đói giảm nghèo đang đứng trước những bất cập, thách thức không nhỏ cần nhanh chóng giải quyết.
Đó là, chúng ta chưa xây dựng được cơ chế và thực hiện hệ thống các chính sách giảm nghèo theo hướng tiếp cận “đa chiều”, mà vẫn áp dụng phương pháp đo lường nghèo một chiều là căn cứ vào thu nhập. Cùng với đó là các chính sách thường chỉ là hỗ trợ, giải quyết tình thế, chưa phải là những giải pháp mang tính lâu dài, bền vững.
Đáng chú ý, hệ thống chính sách giảm nghèo của nước ta đang bộc lộ sự chồng chéo, dàn trải, thiếu sự phối hợp về nguồn lực và tổ chức thực hiện... Điển hình là Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135 và Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80 về định hướng giảm nghèo bền vững... Giữa các chính sách này có sự chồng chéo về đối tượng thụ hưởng, nội dung hỗ trợ và thời gian hỗ trợ, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không.... Điều này dẫn đến tình trạng chưa hợp lý, tạo sự ỷ lại, chưa khuyến khích người nghèo vươn lên.
Theo dự kiến, đến cuối năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo cả nước sẽ còn khoảng 5,8 -6%, giảm khoảng 1,8 - 2% so với cuối năm 2013, các huyện nghèo giảm bình quân 4%. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn trên 60 - 70%. Hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước.
Để đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả và bền vững, vấn đề hiện nay là phải giúp cho người nghèo có "cần câu" chứ không phải mang đến cho họ "xâu cá". Đây cần được coi là phương châm, quan điểm xuyên suốt trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Muốn làm được điều đó, cần sự thay đổi mạnh mẽ từ chính sách. Rõ ràng việc chuyển đổi từ phương pháp tiếp cận nghèo một chiều sang phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đang được xem là vấn đề cấp bách, nhằm tháo gỡ cho thực trạng nghèo và tái nghèo hiện nay. Muốn vậy, hệ thống chính sách giảm nghèo phải nhanh chóng được rà soát nhằm loại bỏ các chính sách trùng lặp, chồng chéo và kịp thời bổ sung, sửa đổi các chính sách không còn phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, cần sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực, đặc biệt sẽ tiến tới giảm dần chính sách “cho không”, tăng dần chính sách hỗ trợ có điều kiện.
Cùng với đó, phải xác định rõ chính sách hỗ trợ phát triển và chính sách bảo trợ xã hội cho từng đối tượng theo hướng thoát nghèo bền vững như đẩy mạnh việc cung cấp thông tin, phương tiện và cách thức thoát nghèo cho người nghèo thông qua các hoạt động cụ thể như đào tạo nghề, cho vay vốn sản xuất kinh doanh... Sau đó phải ấn định thời gian thoát nghèo bắt buộc sau khi đã được đầu tư, hỗ trợ tạo sinh kế...
Mặt khác phải căn cứ vào nhu cầu cụ thể của địa phương, từng người, từng hộ nghèo mà có phương án hỗ trợ phù hợp. Ví dụ, những hộ nghèo do thiếu đất sản xuất, thiếu kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, thiếu công cụ, phương tiện sản xuất…, thì cách thức giúp đỡ thoát nghèo phải khác với gia đình là người già neo đơn, không có sức lao động, bệnh tật, ốm đau thường xuyên…
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từng khẳng định khi đi thăm và kiểm tra thực tế công tác xóa đói giảm nghèo tại một số địa phương: trước khi nhận hỗ trợ từ các nguồn lực, muốn thoát nghèo cần có ba quyết tâm. Quyết tâm của chính bản thân hộ nghèo, quyết tâm của đoàn thể đứng ra nhận trách nhiệm về hộ nghèo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị của địa phương đó. Cả 3 quyết tâm này hợp lại, chắc chắn việc giảm tỷ lệ hộ nghèo sẽ sớm được giải quyết.
Và chỉ có như vậy mới có thể nâng cao tối đa hiệu quả của công tác xóa đói giảm nghèo và giúp người nghèo thoát nghèo bền vững đúng theo phương châm cho “cần câu” hơn cho “xâu cá” nếu không, ăn hết “xâu cá”, nghèo sẽ vẫn hoàn nghèo.
Nhưng trước khi trông đợi vào những nỗ lực tốt đẹp đó thì đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh, bản thân mỗi người nghèo cho đến cả hệ thống chính trị phải có quyết tâm hợp lực mới thực hiện được mục tiêu này.