Theo đó, cơ quan quản lý Chương trình là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chương trình đưa ra nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, trong đó mục tiêu cụ thể của Chương trình là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 48.397 tỷ đồng, trong đó Ngân sách trung ương: 41.449 tỷ đồng (vốn đầu tư: 29.698 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 11.751 tỷ đồng). Chương trình gồm 05 Dự án thành phần, trong đó có 02 dự án mới bổ sung là Dự án 3 hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 và Dự án 4: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Về điều hành, quản lý Chương trình, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập hệ thống bộ máy chỉ đạo điều hành Chương trình từ Trung ương đến cơ sở, trong đó thành lập Ban chỉ đạo các cấp: Trung ương, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng hợp hai Chương trình; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành có liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo. Ở địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Trưởng ban. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tổng hợp hai Chương trình; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Ban Dân tộc (hoặc Cơ quan quản lý nhà nước về công tác Dân tộc) và các sở, ngành có liên quan là thành viên Ban Chỉ đạo. Cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo ở địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập đơn vị giúp việc Ban Chỉ đạo theo các nguyên tắc và yêu cầu như đối với cấp Trung ương./.
|